Quy định mới về xuất khẩu gạo: Rối bời bởi kho chứa

Thứ tư, ngày 15/02/2012 12:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quy định phải có kho chứa, máy xay xát lúa đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rối bời...
Bình luận 0

Mặc dù Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng vừa quyết định kéo dài thời gian thực hiện một số yêu cầu của Nghị định 109 (về điều kiện kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo) thêm 1 năm (tức đến tháng 10.2012), song theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), nhiều điều khoản của nghị định này vẫn khó có thể áp dụng vào thực tế kinh doanh XK gạo hiện nay.

img
Quy định phải có kho chứa mới được tham gia xuất khẩu gạo khiến DN gặp nhiều khó khăn.

Gia hạn rồi vẫn khó

Theo Bộ Công Thương, lý do Nghị định 109 được gia hạn thêm 1 năm là để các DN đáp ứng được điều kiện phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NNPTNT ban hành và có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, có máy tách vỏ lúa, đánh bóng… Điều kiện này đã làm cho nhiều DN đến thời điểm này "oải", thậm chí "bỏ cuộc".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng đã tháo gỡ không ít khó khăn cho DN khi triển khai Nghị định 109 như đã cho phép không nhất thiết DN phải có các hệ thống này trên cùng một mặt bằng. Ngoài ra, DN thấy còn thiếu hạng mục nào thì có thể đi thuê ngoài.

Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh giới thiệu, liên hệ giúp các DN đi tìm cơ sở thuê ngoài. Trên cơ sở hợp đồng thuê tạm đó, Bộ sẽ cấp giấy phép XK tạm thời trong 1 năm. "DN phải chứng tỏ rằng mình có định hướng đầu tư lâu dài, bằng việc có cơ sở của chính mình, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cũng như tinh thần Nghị định 109..." - ông Biên nói.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, dù đã được gia hạn, tháo gỡ, nhưng nhiều DN cũng không thể xoay trở nổi để đáp ứng được các điều kiện nêu trên của nghị định. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc đầu tư nhà máy xay xát, kho chứa lúa theo quy định là rất khó khăn với DN. Nhiều DN cho rằng, muốn làm nhà máy xay xát phải có mặt bằng, kể cả mặt bằng chứa lúa, trấu và đầu tư quy trình kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn XK nên cần số vốn rất lớn, trong khi nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa hiện đang rất khó khăn về vốn.

Nên nhìn nhận yếu tố thành tích XK

Bà Vũ Thị Thu Hạnh - Giám đốc Công ty Ngũ cốc Việt cho biết, chưa cần tính tới đất đai đặt nhà máy ở đâu thì vốn đầu tư vào máy móc, thiết bị cũng đã lên tới hàng chục tỷ. Với lãi suất cao như hiện nay thì DN vô cùng khó khăn và rủi ro khi đầu tư. Ông Lê Thanh Khiêm - Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng cho hay, dù gia hạn thêm 1 năm, DN cũng vẫn khó thu xếp vốn đầu tư cho việc xây dựng kho bãi cũng như dây chuyền công nghệ sản xuất.

150 DN tham gia xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực VN, đến hết ngày 31.12.2011 (10 tháng kể từ khi Nghị định 109 có hiệu lực), Bộ Công Thương đã cấp 146 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo theo Nghị định 109 của Chính phủ. Trong đó, có 79 giấy chứng nhận tạm thời 1 năm và 67 giấy dài hạn 5 năm. Ngoài ra, còn có 4 DN có vốn nước ngoài được thực hiện XK gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước đó. Như vậy, đến thời điểm này đã có 150 DN được phép tham gia XK gạo.

Ông Huỳnh Thế Năng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nêu thực tế, "bắt" DN phải "chuẩn" các quy định theo thời gian trên là điều không dễ, do vậy đến 1.10.2012, DN nào hoàn thành tương đối những điều kiện cơ bản nhất và phù hợp với điều kiện của riêng DN thì các bộ, ngành nên chấp nhận và tạo điều kiện cho DN kinh doanh XK gạo. Thậm chí có thể tính đến chuyện thêm thời gian nhất định để giúp các DN nhỏ, nhằm tạo ra sự công bằng trong điều kiện kinh doanh khó khăn nói chung và XK lương thực nói riêng.

Bà Hạnh cũng kiến nghị: Bộ Công Thương và các bộ, ngành nên xem xét lại, không nên sàng lọc DN dựa trên tiêu chí có đất, có kho mà hãy xem thành tích XK của DN. Để tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhiều DN cũng đề xuất Chính phủ cho gia hạn thời gian thực hiện xây dựng nhà máy xay xát và kho chứa lúa, tốt nhất là nên điều chỉnh thêm từ 2-3 năm nữa, thay vì đến tháng 10 năm nay, để DN có thời gian đầu tư tốt hơn. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi DN trong việc mở rộng đầu tư kho bãi, cơ sở sản xuất...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem