Ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam: “Lá chắn” mới trên biển khơi

Thứ tư, ngày 16/04/2014 07:21 AM (GMT+7)
Sáng 15.4, tại Quân cảng hải quân Vùng 3 (TP. Đà Nẵng), Bộ NNPTNT đã tổ chức ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam trong sự đón đợi của hàng triệu ngư dân cả nước. Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải...
Bình luận 0
Giúp ngư dân yên tâm đánh bắt

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Sự kiện ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực thi pháp luật trên biển, góp phần giúp ngư dân an tâm sản xuất trên biển. Bộ NNPTNT cần chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Bộ NNPTNT cần nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng 2030; đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho lực lượng kiểm ngư hoạt động.

Theo Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, lực lượng kiểm ngư được tổ chức từ Trung ương đến các Vùng, gồm: Cục Kiểm ngư có trụ sở tại Hà Nội và 4 chi cục kiểm ngư Vùng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư hiện có hơn 10 chiếc tàu được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc tuần tra trên biển dài ngày. Các tàu kiểm ngư được trang bị vũ khí cùng các hệ thống kiểm soát ban đêm. Mỗi tàu cũng được trang bị một hệ thống loa cực đại có thể phát âm thanh trong bán kính hơn 3km, giúp thông báo cho ngư dân Việt Nam những thông tin cần thiết cũng như đẩy đuổi tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trên lãnh hải Việt Nam...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu kiểm ngư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu kiểm ngư.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta thành lập lực lượng kiểm ngư là thêm một sự khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Lực lượng này đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề và cũng còn nhiều thách thức. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, lực lượng Kiểm ngư sẽ phối hợp hoạt động với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển. Lực lượng này đủ sức để thực thi bảo vệ ngư dân và nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

Ngư dân ngóng đợi

Tàu kiểm ngư sẽ sát cánh cùng ngư dân trên biển.
Tàu kiểm ngư sẽ sát cánh cùng ngư dân trên biển.

Khi biết được lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt, rất nhiều bà con ngư dân tỏ ra hết sức vui mừng. Anh Lê Văn Chiến - chủ tàu ĐNa - 90351 (Đà Nẵng), người có hơn 25 năm vẫy vùng ở biển Hoàng Sa chia sẻ: “Từ nay ngư dân có thêm một người bạn đồng hành. Giữa sóng gió biển khơi, chuyện ngư dân gặp nguy hiểm là thường trực. Lực lượng Kiểm ngư ra đời sẽ giúp chúng tôi an tâm hơn khi đánh bắt trên biển”. Ngư dân Lê Văn Sang - chủ tàu dịch vụ hậu cần Đna - 90444 (Đà Nẵng) cũng cho biết, hiện chuyện ngư dân bị rượt đuổi, bắt bớ hay quấy nhiễu trên biển không có gì lạ. Những lúc này, các lực lượng hải quân, biên phòng hay cảnh sát biển đều có thể can thiệp, nhưng ngư dân chúng tôi biết, nếu các lực lượng này tham gia sẽ rất nhạy cảm. Lực lượng Kiểm ngư ra đời rõ ràng là phù hợp hơn...

Ông Trần Cao Mưu - Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam:
Lực lượng Kiểm ngư ra mắt là một sự kiện lớn, một tổ chức được ngư dân mong đợi. Lực lượng này sẽ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Tất nhiên, việc lực lượng này hiện diện tới đâu còn trông đợi vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng việc có mặt của lực lượng Kiểm ngư vào thời điểm này sẽ tạo động lực lớn cho ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm ra khơi bám biển.
Thanh Xuân (ghi)

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, việc khai thác của ngư dân trên biển đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các hành động gây rối của các tàu cá Trung Quốc. Gần đây, các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nước ta và khi bị phía ta xua đuổi, không những họ không tuân thủ, mà còn chống trả. Mỗi lần như thế, họ kéo hàng chục chiếc tàu, thuyền đi san sát gần nhau.

Do đó, nếu chúng ta không có những động thái cứng rắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc khai thác hải sản của ngư dân. Lực lượng Kiểm ngư phải bảo vệ cho được ngư trường, không để cho tàu cá nước ngoài khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.

Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, ngoài việc thanh- kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì lực lượng kiểm ngư phải bảo vệ cho được ngư dân. Ngư dân thấy được bảo vệ sẽ tăng cường thời gian bám biển, số lượng tàu thuyền chắc chắn cũng xuất hiện nhiều hơn. Càng có nhiều tàu, nhiều ngư dân trên biển thì biên giới biển chúng ta mới được bảo vệ vững chắc nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã đến thăm các tàu kiểm ngư đang neo đậu tại quân cảng. Nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ lực lượng kiểm ngư, Thủ tướng nhấn mạnh: Lực lượng Kiểm ngư mới thành lập nên còn nhiều khó khăn. Mong cán bộ, chiến sĩ lực lượng này vượt khó, sát cánh cùng ngư dân, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành thêm các chính sách hỗ trợ cho lực lượng này.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Đồng thời góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên vùng biển Việt Nam.

Sẽ đóng mới3.000 tàu đánhcá vỏ thép

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc “Bàn về những giải pháp chính sách phát triển ngành thủy sản trong những năm tới” diễn ra ngày 15.4 tại TP. Đà Nẵng. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, đến năm 2013 cả nước có 117.998 tàu thuyền đánh bắt trên biển. Hiện sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt xấp xỉ 2,7 triệu tấn. Tuy nhiên hiện nay 99% tàu thuyền đều được đóng bằng chất liệu gỗ, 85-90% tàu thuyền sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ của phương tiện giao thông đường bộ. Ngoài ra, trang thiết bị bảo quản hải sản của tàu cá còn thô sơ do vậy tỷ lệ thất thoát hải sản khi vào bờ lên đến 20-30%...


Theo Bộ trưởng, hiện nguồn lợi thủy sản gần bờ có dấu hiệu suy giảm, trong khi còn 76,7% tàu thuyền đánh bắt gần bờ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, Chính phủ sẽ ưu tiên hiện đại hóa tàu cá, trong đó sẽ đóng mới khoảng 3.000 tàu vỏ thép... Đại diện nhiều địa phương cho rằng, hiện nay để ngư dân có được tiền đóng tàu vỏ thép thì không dễ khi mà các ngân hàng lại không mặn mà với việc cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền vì ngành nghề này có nhiều rủi ro. Nếu như ngân hàng nào cho vay thì lãi suất trên 10%...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép, cải hoán tàu thuyền với lãi suất 5%. Thủ tướng đề nghị ngân hàng và các địa phương hỗ trợ thêm về lãi suất để ngư dân được vay vốn đóng mới tàu vỏ thép và cải hoán tàu thuyền chỉ với lãi suất 3%.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tính toán chính sách bảo hiểm không chỉ thân tàu mà cả tính mạng của ngư dân; tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cảng cá gắn với dịch vụ, hệ thống thông tin định vị đảm bảo an toàn...
Đình Thiên


Đình Thiên (Đình Thiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem