Rã rời vì những cái Tết ở nhà chồng

Thứ tư, ngày 05/02/2014 07:16 AM (GMT+7)
Quanh năm vất vả, những ngày Tết tôi chỉ muốn được tận hưởng không khí nhàn hạ bên chồng con, gia đình nhỏ của mình, được nghỉ ngơi và chơi với con, thì lại phải về quê phục dịch, hầu hạ bố mẹ và anh em nhà chồng, thực sự là vô cùng mệt mỏi.
Bình luận 0
Năm nay, khi biết thời gian nghỉ Tết nhiều hơn mọi năm tôi không hề cảm thấy vui vẻ, trái lại tôi đã quá ngán ngẩm với cảnh Tết năm nào cũng phải về quê chồng từ 28 Tết và làm ôsin hầu hạ nhà chồng đến tận hết Tết mới lên. Năm nay đi làm muộn, mẹ chồng tôi còn muốn tôi ở đến tận mùng 7 mới đi. Với tôi, đó không phải là niềm vui mà đó là một cực hình.

Tết đến, tôi choáng ngợp với những chén, đĩa để la liệt ở ngoài chờ rửa sau những
Tết đến, tôi choáng ngợp với những chén, đĩa để la liệt ở ngoài chờ rửa sau những "bữa ăn thân mật".

Năm nào cũng vậy, cứ 25, 26 Tết mẹ chồng đã gọi điện “ra lệnh” cho vợ chồng tôi sắm sửa bánh kẹo, đồ đạc… cho gia đình, anh em nội thân ở quê. Suốt 10 năm làm dâu thì 10 năm như một, cứ khoảng thời gian này tôi lại phải đau đầu vì tiền nong sắm Tết. Bởi mẹ chồng tôi trước giờ vẫn quan niệm, năm nào cũng phải chuẩn bị chu đáo quà Tết để biếu tất cả anh em họ hàng. Đó không chỉ là thói quen mà còn là hành động thể hiện sự quan tâm, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, họ hàng nội ngoại.

Đến 28, 29 Tết, cả nhà theo “chỉ thị” của mẹ chồng lại lục tục kéo nhau về quê. Mỗi lần về quê dịp Tết là mỗi lần tôi méo mặt. Xe cộ đông đúc, đường xá xa xôi lại vướng thêm hai con nhỏ khiến vợ chồng tôi về đến quê chỉ muốn đặt lưng lên giường và đi ngủ. Nhưng vừa về đến nhà, chồng tôi đã bị các chú, các bác kéo xềnh xệch, bắt đi mổ lợn.

Tôi lại xấp ngửa với việc cơm nước rồi lo xào thịt bó giò, gói bánh chưng, bánh tét. Trong khi các bác, các chú, trong đó có cả chồng tôi ngồi “chén tạc, chén thù”, nhâm nhi ly rượu, ngồi chỉ trỏ bàn tán về không khí xuân, về cành đào, cây quất năm nay đẹp xấu thế nào…

Cả 3 ngày Tết, trong khi người ta dắt díu nhau đi chơi, đi chúc Tết họ hàng, làng xóm thì tôi cả ba ngày cắm mặt vào bếp, hết nấu nướng dọn mâm rồi lại rửa bát, cọ nồi. Ở quê không có nước máy, không có bếp gas phải đun bằng bếp củi, bếp rơm khiến tôi mỗi lần từ bếp đi ra lại lem luốc, bẩn thỉu, mặt chẳng khác nào mặt hề.

Kinh khủng nhất là ở quê nhà chồng tôi, trong ba ngày Tết có tục lệ, hễ ai đến chơi, chúc Tết, khi chào ra về, gia chủ kéo lại bằng được bắt phải “ăn miếng bánh, khoanh giò với gia đình lấy may”. Chỉ khổ cái thân tôi, có những ngày tôi phải bưng ra rồi lại bê vào, dọn dẹp tới cả chục lần.

Chưa kể đến việc, hễ khách đến mà có trẻ con, mẹ chồng lại gợi ý tôi chi tiền lì xì. Nhà nghèo nhưng mẹ chồng tôi lại rất khách khí, bà bảo phải mừng tuổi nhiều vì sợ người ta chê cười, nhà có con trai, con dâu ở Thủ đô về ăn Tết lại ki bo.

Tôi cứ quần quật hì hục phục vụ gia đình nhà chồng cho đến khi hết Tết. Ban đầu, mình thấy cũng vui vui vì mình được yêu quý, nhưng dần dần, mình bị stress lắm. Đi làm cả năm, được ngày nghỉ Tết thì lại phải lăn ra để phục vụ cả biển người. Ai cũng chờ đến sát bữa ăn mới xuất hiện. Đàn ông thì nhậu nhẹt, say xỉn, có khi nôn ói ra khắp nhà, trẻ con thì nô nghịch, hò hét, lục tung cả 3 tầng nhà lên để chơi trốn tìm ... Xong xuôi, khách khứa lại kéo nhau về, để lại một bãi chiến trường cho một mình tôi thu dọn.

Tết với tôi thực sự là một cực hình, một quãng thời gian kinh hoàng. Có lẽ cũng vì đó mà tôi chưa bao giờ háo hức, mong ngóng đến Tết từ khi đi lấy chồng.
Cẩm Vân (Hà Nam) (Cẩm Vân (Hà Nam))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem