Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sức mạnh nội tại của nền kinh tế dưới sự điều hành của Chính phủ mới qua góc nhìn của Nhà nghiên cứu chính sách sẽ như thế nào. Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Giảng viên Trường Đại học Fulbright.
Thưa ông, đến hôm nay, Chính phủ mới đã được kiện toàn. Về mặt con số, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận như là nền kinh tế tăng trưởng cao bậc nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng, kiểm soát được nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối kỷ lục… Vậy theo ông trong ngắn hạn Chính phủ mới sẽ tạo nên dấu ấn trong mảng/lĩnh vực/khu vực nào để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân về Chính phủ "hiệu quả hơn nữa"?
Như trong bài phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Chính phủ nhiệm kỳ mới "hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng". Chúng ta có thể kỳ vọng trước mắt Chính phủ mới sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, chuyển biến mạnh mẽ trong các chương trình dự án phát triển của Nhà nước, của doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư.
Đơn cử như việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt các dự án, chương trình của doanh nghiệp, xóa tình trạng bị "ngâm", kéo dài, không ai chịu ký, không ai chịu quyết như đã từng xảy ra. Từ đó, người dân, doanh nghiệp mới cảm nhận và tin tưởng vào sự quyết liệt của Chính phủ mới.
Hơn nữa, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã để lại dấu ấn đặc biệt trong kiểm soát dịch Covid-19. Chính phủ mới sẽ phải tiếp nối thành công nói trên nhưng ở một mức độ khác là triển khai tiêm Vaccine Covid-19 cho người dân nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm an toàn. Thành công này nếu có sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Chính phủ mới. Thực tế cho thấy, dù kiểm soát tốt đại dịch nhưng nếu triển khai tiêm vaccinne Covid-19 không thành công thì cũng rất khó có thể mở cửa (hội nhập) kinh tế. Vì vậy, Chính phủ mới nỗ lực để nhập một số lượng lớn vaccine và triển khai tiêm. Mục tiêu cũng rất là tham vọng với 70% - 75% dân số được tiêm vaccine Covid-19 an toàn trong thời gian ngắn nhất.
Và, dù có vaccine Covid-19, năm nay, Việt Nam vẫn chủ yếu trong tình trạng đóng cửa với thế giới. Do đó, cần mạnh tay và thiết thực hơn nữa trong điều hành vĩ mô, triển khai các gói hỗ trợ, nhất là cho các doanh nghiệp, người lao động vốn dĩ đã chịu nhiều tổn thương do tác động tiêu cực của dịch Covid từ năm 2020 đến nay.
Năm vừa qua, điểm sáng xuyên suốt nền kinh tế là hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021, cũng chưa thể kỳ vọng đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh ngay được. Vì thế, Chính phủ mới cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế đồng thời tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô như giai đoạn trước đây.
Cụ thể hơn, đối với điều hành chính sách tiền tệ, thách thức là làm sao giữ được ổn định lãi suất. Tăng lãi suất sẽ là một tín hiệu không tốt trong năm nay với mục tiêu vẫn phải là hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cũng không thể hạ lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động vì dòng tiền sẽ chạy vào các kênh đầu cơ tài sản.
Về tài khoá, cần phải chuẩn bị nguồn lực để giải ngân đầu tư công và nếu có thêm các gói hỗ trợ thì thực thi là chìa khóa để cho doanh nghiệp, người lao động thực sự được hưởng. Năm qua, nhiều gói hỗ trợ kinh tế đã được công bố, tuy nhiên, số đối tượng thụ hưởng chưa tương xứng như kỳ vọng. Khá bất ngờ là thu ngân sách vẫn vượt dự toán.
Như vậy, có thể nói, mặc dù đang trong thời gian khó khăn nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Chính vì thế, rất cần các gói, chương trình hỗ trợ sát thực của Chính phủ để giúp đỡ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch, vừa giải quyết khó khăn vừa kích thích phát triển. Từ đó, tận dụng thị trường nội địa, duy trì sức mua trong nước. Ngoài xuất khẩu và đầu tư công, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế còn cần phải có động lực sức mua trong nước.
Như vậy, ông kỳ vọng Chính phủ mới sẽ hành động ngay để có chuyển biến mạnh mẽ đối với các chương trình dự án "lơ lửng" bấy lâu, triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng nhanh, an toàn, cũng như đưa ra các gói hỗ trợ mạnh và thiết thực hơn nữa. Nhìn về trung dài hạn, sức mạnh nội tại của nền kinh tế dưới sự điều hành của Chính phủ mới sẽ như thế nào?
Trước hết, năm 2021 là năm các ngành các địa phương bắt đầu đồng loạt làm quy hoạch theo cách mới, đó là quy hoạch mang tính hợp nhất. Một số điểm yếu về quy hoạch ở Việt Nam đã được đề cập nhiều lần là quy hoạch cứng nhắc, thiếu thực tế và quy hoạch bị phá vỡ. Lâu nay vẫn xảy ra tình trạng tuân thủ theo quy hoạch thì không làm gì được vì không thực tế, khả thi nhưng nếu thay đổi quy hoạch thì lại bị tác động của các nhóm lợi ích khác nhau dẫn tới cái gọi là quy hoạch bị phá vỡ.
Vậy, Chính phủ sẽ phải chỉ đạo và giám sát cách làm quy hoạch mới này được thực chất – một công việc không phải dễ dàng khi nhiều nơi cùng làm một lúc.
Thứ hai, trong trung hạn các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ được giải quyết dứt điểm. Các ưu tiên phát triển hạ tầng như hệ thống kết nối hạ tầng miền Tây Nam bộ, phòng, chống biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển và bến bãi, cao tốc Bắc-Nam, các tuyến đường vành đai ở các đô thị lớn… sẽ được tập trung.
Những khó khăn trong xin chủ trương, chọn và thay đổi phương thức đầu tư, ra quyết định, chuẩn bị nguồn lực, đối với các chương trình, dự án nói trên đều đã được giải quyết một cách khá cơ bản trong nhiệm kỳ 2016 -2021. Sẽ không còn nhiều lý do để nói những dự án thiết yếu và mang tính trọng điểm quốc gia này không thể làm trong những năm tới.
Thứ ba, các hướng phát triển mới như đổi mới sáng tạo – đẩy mạnh, chuyển đổi số, phải biến nó thành hành động. Về chuyển đổi số, hiện các doanh nghiệp đã rất năng động và đã có nhiều đầu tư. Vì vậy, Chính phủ mới cần tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, khung quản lý nhà nước mới cho nền kinh tế số. Từ nhiệm kỳ 2016 – 2021, chúng ta đã đặt ra câu chuyện khởi nghiệp; các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư công nghệ, mạo hiểm toàn cầu và trong khu vực đã tài trợ rất nhiều cho hoạt động khởi nghiệp.
Tôi cho rằng, để ra được khung quản lý mới cho nền kinh tế số, rất cần sự dũng cảm, mạnh dạn của lãnh đạo Chính phủ và những người đứng đầu các cơ quan quản lý ngành. Nếu Nhà nước quản lý theo hướng kiểm soát cứng nhắc, quá chặt chẽ, theo cách là không để rủi ro xảy ra thì sẽ không thể khai phóng được sức mạnh chuyển đổi số. Phải dám chấp nhận có rủi ro, nhưng lợi ích đạt được lớn hơn.
Đơn cử, để thúc đẩy các dịch vụ tài chính thực hiện trên nền tảng công nghệ mới (fintech và ngân hàng số), không có khung quản lý thì không được vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhưng áp dụng khung quản lý cũ thì ngang cấm đoán. Một khung quản lý (có thể ban đầu là thí điểm trong một giai đoạn) theo hướng thông thoáng thì mới thực sự đẩy mạnh được chuyển đổi số.
Thứ tư, các vùng động lực tăng trưởng đang có sự chuyển dịch cơ cấu rất lớn. Chính phủ phải hỗ trợ các vùng động lực này chuyển đổi. Như Tp. HCM với thế mạnh của mình, Chính phủ cần hỗ trợ để đẩy mạnh vai trò trung tâm tài chính. Theo Chỉ số xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu GFCI, Việt Nam chỉ có TP.HCM được xếp hạng ở mức trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Thứ cấp có nghĩa là có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính thực sự. Nhưng nếu Trung ương và địa phương không quyết tâm phối hợp làm thì sẽ không được...
Một phần thành tích của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến từ dòng vốn nước ngoài, theo ông Chính phủ mới cần phải làm gì để hiệu quả hơn trong đón nhận dòng vốn ngoại?
Thế mạnh của Việt Nam khác biệt các quốc gia khác là có sự đồng thuận cao (từ người dân đến Nhà nước) về hội nhập và mở cửa để phát triển kinh tế. Thành công các nhiệm kỳ trước là Việt Nam đã ký kết được một loạt hiệp định thương mại tự do mang tính chiến lược. Vì vậy, dù cho chiến tranh thương mại xảy ra, dịch bệnh Covid ập đến, rủi ro địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhưng tất cả lại đặt Việt Nam vào vị trí hấp dẫn để thu hút đầu tư quốc tế.
Nói là hấp dẫn, nhưng thực tế dòng vốn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng khu vực tới Việt Nam chưa phải là nhiều. Có thể là do Covid-19, có thể là do ngần ngại trong phê duyệt dự án, có thể là quan ngại của chính nhà đầu tư về những điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực ở trong nước.
Dòng vốn nước ngoài đó không chỉ là đầu tư trực tiếp (FDI) mà còn là đầu tư qua kênh chứng khoán. Hiện nay, trong FDI, còn có phần rất đáng kể là góp vốn mua cổ phần. Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam rất sôi động.
Không chỉ là phần đầu tư dự án mới, doanh nghiệp Việt Nam đã mua lại doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước. Chính phủ mới phải mạnh hơn trong việc nới lỏng các quy định đối với các giao dịch liên quan đến dòng vốn quốc tế, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam. Đúng luật, đúng cam kết trong các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế thì phải cho nước ngoài đầu tư, thay vì để một vị quan chức tùy nghi quyết định.
Thay vì thu hút bằng mọi giá và các địa phương thu hút FDI bằng các ưu đãi thuế, đất đai trong một cuộc cạnh tranh xuống đáy, thực thi chiến lược FDI phải kết hợp với thực thi chiến lược phát triển kinh tế vùng để không giải quyết thách thức đó, đồng thời đảm bảo không lãng phí trong đầu tư các cơ sở hạ tầng hỗ trợ và phối hợp kiểm soát tác động môi trường. Chính phủ chỉ đạo để các địa phương bắt tay nhau thu hút đầu tư tư nhân vào các trung tâm logistics. Trong các cơ chế điều phối hợp tác vùng, Trung ương giúp các địa phương cùng đưa ra chính sách chung và cùng thực thi giám sát doanh nghiệp tuân thủ quy định môi trường.
Ngoài ra, thách thức lớn trong hút vốn FDI mà Chính phủ cần giải quyết là lĩnh vực năng lượng. Hệ thống tài chính trong nước Việt Nam không đủ hết các năng tài trợ vốn dài hạn cho các dự án năng lượng lớn. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, ngoại trừ một số ít ở những quốc gia châu Á nhất định, đã ngừng tài trợ cho điện than. Thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển khí tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió ngoài khơi đòi cả định hướng chính sách rất rõ ràng từ phía nhà nước và chỉ đạo quyết liệu của lãnh đạo Chính phủ cho các bộ ngành để đàm phán với các nhà đầu tư.
Cám ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.