“Rõ nguyên nhân mới tính phương án khắc phục”

Huỳnh Xây (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/08/2019 06:05 AM (GMT+7)
Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ở ĐBSCL, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ)
Bình luận 0

Thưa GS-TS Lê Anh Tuấn, đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL hiện nay?

- Nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông có rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là phù sa ngày càng ít đi do phía thượng nguồn hình thành chuỗi đập thủy điện, đã giữ lại lượng lớn phù sa tại hồ chứa, ảnh hưởng tới tốc độ dòng chảy. Ngoài ra, còn có tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông của các sà lan làm thay đổi dòng chảy.

Đó là 2 nguyên nhân chính, còn các nguyên nhân phụ tác động thêm là dòng nước trên các sông gần đây chảy mạnh, công trình ở bờ sông ngày càng nhiều làm gây mất ổn định nền đất, giao thông thuỷ gia tăng và sự xuất hiện ngày càng nhiều tàu ghe gây sóng lớn trên các sông rạch…

img

Vết nứt trên Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). (ảnh: Huỳnh Xây)

Nguyên nhân sạt lở mỗi địa phương có khác nhau ra sao, thưa ông?

- Ở mỗi địa phương, mỗi dòng sông đều có nguyên nhân gây ra sạt lở riêng, không nơi nào giống nơi nào. Cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra để đưa ra cách khắc phục khác nhau. Nếu sạt lở do khai thác cát, ngành chức năng phải kiên quyết không cho khai thác nữa và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, bờ sông yếu thì không nên bố trí công trình lớn, treo biển cảnh báo cho các tàu lớn đi qua đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở cao…

Có biện pháp nào hạn chế chi phí trong khắc phục sạt lở bờ sông không?

- Kinh phí đầu tư các công trình ven sông ngăn sạt lở cần vốn lớn. Do vậy, các tỉnh, thành ĐBSCL cần  tính toán kỹ và chọn phương án tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Theo đó, các địa phương có thể linh động triển khai lồng ghép các công trình mềm như trồng rừng tạo bãi bồi chống xói lở đất, trồng cây giữ đất. Với những đoạn bị sạt lở, gây hư hại đến hạ tầng giao thông, các địa phương không nên đầu tư bờ kè kiên cố để khắc phục sạt lở kết hợp làm lộ giao thông mà chọn phương án tạo một tuyến đường mới…

Công tác kiểm tra, cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở ở ĐBSCL cần được thực hiện như thế nào?

- Các cơ quan chức năng phải nghiêm túc và chủ động trong các giải pháp phòng tránh, đối phó có khả thi theo kế hoạch ngắn hạn và lâu dài, đặc biệt là không nên chủ quan, lơ là. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, khảo sát và có những cảnh báo kịp thời để người dân biết di dời tài sản, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 Xin cảm ơn PGS-TS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem