Hôm qua, 11.4 là ngày buồn nhất trong 20 năm theo đuổi đưa sách về nông thôn của tôi bởi hai lẽ: Hành trình đi bộ TP HCM-Cà Mau của tôi, khi bắt đầu ngày thứ 2 của hành trình bị gián đoạn 7km. Mắt tôi đã cay xè khi cố lê trên cầu Bình Thuận trên QL1A đoạn qua quận Bình Tân, TP HCM. Cầu chỉ dài vẻn vẹn 83m mà tôi đi mất hơn 10 phút, một tay vịn lấy lan can cầu, chân phải làm trụ chính để di chuyển vì nửa chân trái không thể tiếp xúc mặt cầu do quá đau.
Buổi sáng, khi đi bộ được 1 km, chân trái tôi bắt đầu tê. Đi thêm 5km, chân bắt đầu đau. Đi thêm 2km, tôi không thể di chuyển nữa. Ngực tôi đã quặn đau, mắt tôi đã rưng lệ vì trong khoảng khắc tôi nghĩ nhiều trẻ em miền Nam sẽ không được đọc sách trong năm nay 2016 nếu chuyến đi Sài Gòn-Cà Mau kêu gọi các thầy cô hiệu trưởng nhân rộng tủ sách đến lớp học của tôi bị gián đoạn.
Kế đến, khi đến phòng khám chụp cột sống, biết tôi khó có thể đi bộ ở Ấn Độ, Châu Phi để kêu gọi sách cho trẻ em nông thôn ở đó, lòng tôi buồn thăm thẳm. Dự định hiến dâng những năm tháng còn lại của cuộc đời đấu tranh cho quyền đọc sách của trẻ em các nước nghèo bằng bước chân dường như đã chấm dứt.
Hết nghĩ đến ngoài nước, tôi lại nghĩ đến trong nước. Tôi nghĩ đến việc làm thế nào để thúc đẩy nhanh mục tiêu giúp 15.000.000 trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe sách và đọc sách bởi đôi chân tôi khó tiếp tục bước trên quốc lộ, tỉnh lộ để kêu gọi các hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và các thành viên xã hội giúp sức.
Rồi những ưu tư cũng lùi dần khi tôi nghĩ đến hành trình đi bộ 1.750 km năm ngoái và Công văn 6841 ngày 31.12.2015 của Bộ GDĐT đã gửi đến các Sở GDĐT khuyến khích xã hội hóa nhân rộng tủ sách đến từng lớp học, niềm vui đã khởi trong tôi.
Phải nói rằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong thời gian chỉ 3 tháng kể từ khi tôi gửi tờ trình đề nghị nhân rộng Tủ sách Phụ huynh đến các lớp học trường mầm non, tiểu học, THCS và PTTH, đã dành nhiều thời gian thực địa thăm các Tủ sách Phụ huynh, đã gặp gỡ đối thoại với các nhóm làm tủ sách và những học sinh hưởng lợi, đặc biệt quan trọng khi Bộ trưởng thừa nhận những yếu kém của hệ thống thư viện trường học.
Kế đến, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Và Công văn số 6841, một văn bản quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường, văn bản “mở cổng trường thay đổi giáo dục” từ nguồn lực xã hội và mở cửa lớp đưa các “ông thầy sách” vào gần học sinh nhất để các em tự học, tự khám phá đã ra đời vào ngày 31.12.2015.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đột phá trong việc tiếp nhận sáng kiến dân sự được áp dụng trọng hệ thống giáo dục cấp tỉnh để nhân rộng ra toàn quốc, mang lại lợi ích đọc cho hàng chục triệu học sinh trong những năm tới, đồng thời tạo nhận thức nội nghành về tầm quan trọng của ĐỌC SÁCH trong nhà trường, biến sách giáo khoa thành tối thiểu trong không gian lớp học thay vì sách giáo khoa đã thống soái trường học như trước đây.
Nhiều niềm vui khác đã khởi trong tôi khi Bộ trưởng mới của ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ đã có những phát ngôn rất rõ ràng về định hướng giáo dục. Trước hết, Bộ trưởng Nhạ đã cho biết: “Mục tiêu của giáo dục không phải là bằng cấp”.
Đúng vậy, bản chất của giáo dục là tạo ra nền tảng nhân văn và sáng tạo cho xã hội chứ không phải là những tấm bằng. Nếu chỉ dừng ở bằng cấp, công dân chỉ là những con robot bị điều khiển và vâng lời chứ không phải là những công dân tạo ra những con robot tinh xảo phục vụ dân sinh trong mọi ngõ ngách của đời sống.
Đặc biệt quan trọng khi ông Nhạ xem “sách chỉ là một trong những học liệu quan trọng chứ không phải mục tiêu của giáo dục. Cần phải tạo được động lực cho các thầy/cô và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tích cực, phấn khích thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để tạo được môi trường sư phạm thật sự trong các trường học”.
Anh Nguyễn Quang Thạch khởi hành chuyến đi từ khu lưu niệm Phan Châu Trinh chiều 10.4.2016 tại TPHCM.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Khi ngành giáo dục đào tạo được đội ngũ thầy cô giáo giàu tâm và trí thì chúng ta sẽ vô số sách hay được xây dựng ngay tại trường học, lớp học. Các thầy cô giáo giỏi sẽ nối kết được ba loại sách gồm sách tự nhiên (cây cỏ, núi sông..), sách xã hội (tương tác giữa các nhóm trong xã hội) và sách lưu dấu (tiểu thuyết, tài liệu khoa học) thành bộ sách đồ sộ trong tâm hồn và trí não mình để truyền cho học sinh sự huyền diệu của tự nhiên, giá trị và kỹ năng sống và tri thức rộng lớn để trong mỗi học sinh dung chứa nền tảng nhân văn và sáng tạo.
Nối kết những nỗ lực tạo sự thay đổi chính sách đọc trong nhà trường của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và những chia sẻ của tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những lo lắng thường trực 20 năm trong tôi về nạn đói sách ở trường học nông thôn, lo lắng về sự cản trở học sinh đọc sách, lo lắng các vị hiệu trưởng không chịu làm tủ sách đến lớp học… dường như biến mất bởi tôi tin chắc rằng trong thời gian tới hệ thống tủ sách đến từng lớp học sẽ được Bộ GDĐT tăng tốc xây dựng. Hệ thống câu lạc bộ khoa học để thúc đẩy STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) sẽ được thiết lập nhằm nuôi dưỡng đam mê khoa qua thực hành, tiếng Anh và đối thoại giáo dục có chất lượng sẽ được chú trọng.
Tôi sẽ sớm gửi đến tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tài liệu hướng dẫn xây dựng Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em và các phương pháp khuyến đọc trong nhà trường. Hy vọng đây sẽ là một trong những nội dung được quan tâm sâu sát trong nhiệm kỳ của ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.