Sản vật mùa nước nổi

Thứ tư, ngày 17/08/2011 19:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lũ về sớm đã ban tặng những “đặc sản” trù phú của miệt thiên nhiên, sông nước Cửu Long cho cư dân vùng lũ. Ở các chợ đầu nguồn Hồng Ngự, Cao Lãnh, Tân Châu… những ngày này sản vật mùa nước nổi xuất hiện khá dồi dào.
Bình luận 0

Qua Campuchia bắt ốc

Ông Nguyễn Văn Lợi – Phó Chủ tịch xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho hay: Mùa lũ năm nay, rất nhiều người dân địa phương vượt sông Bình Di để đi bắt ốc tại các cánh đồng, bưng của tỉnh Kandan nước bạn Campuchia - giáp ranh với huyện An Phú.

Theo ông Lợi, lũ về, nguồn ốc tự nhiên ở phía nước bạn Campuchia nhiều vô số kể. Trên địa bàn huyện có gần chục điểm tập kết thu mua ốc, giải quyết quyết làm cho cả trăm lao động. Anh Võ Văn Lợi, ngụ xã Khánh An, cho chúng tôi biết: “Bình quân mỗi ngày tui bắt được khoảng từ 40 – 50kg, đem về bán cho thương lái với giá từ 5.000 – 8.000 đồng/kg tùy ốc lớn nhỏ”.

img
Đi cất lươn ở xã Vĩnh Hậu, huyện Tân Châu, An Giang.

Có mặt tại điểm thu mua ốc của anh Nguyễn Văn Triều nằm ven bờ sông Hậu, nhìn hàng trăm bao ốc lớn, nhỏ được đóng gói tươm tất để chuẩn bị chuyển giao cho các bạn hàng, chúng tôi không khỏi choáng mắt vì lần đầu tiên thấy ốc nhiều như thế.

Anh Triều cười cho hay, “bình quân mỗi ngày anh thu mua từ 3 – 4 tấn ốc của các bạn hàng Campuchia và người dân địa phương. Ốc thu mua về phải chia thành nhiều loại lớn, nhỏ, sau đó phải chà rửa cho thật kỹ mới đem đóng bao. Mỗi bao có trọng lượng khác nhau, nếu giao tận Hà Nội thì là 70kg, TP.HCM là 50kg…

“Hàng độc” rắn mối, chuột cống nhum…

Chợ đầu nguồn Hồng Ngự là nơi tập trung đủ loại hàng tươi sống của mùa nước nổi. Đi một vòng quanh khu vực chợ, chúng tôi thấy rất nhiều sản vật đã được bày bán xôm tụ: Bông điên điển, bông súng, rau muống, chuột, rắn, cá, lươn, ếch, nhái... bông súng tươi rói, bó rất đẹp được bán với giá 1.000 – 2.000 đồng/bó, rau nhút 5.000 đồng/kg, ngó sen 10.000 đồng/bó. Nhưng đắt nhất trong các loại rau là bông điên điển đầu mùa vàng óng, được bán với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Tuyết - một tiểu thương chuyên bán rau đồng, cho biết sở dĩ bông điên điển có giá quá cao do đầu mùa, số lượng ít. Một mặt hàng “độc” khác là rắn mối, do các thợ săn thu gom từ các gò cao phía Campuchia đưa về, được đựng trong những lồng lưới, bán với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Chị Loan - chủ một sạp bán rắn mối, cho biết: “Thịt rắn mối rất ngon, so với các loại sản vật khác trong mùa nước nổi thì nó thuộc vào loại hàng “độc” nên bán đắt như tôm tươi. Chính vì thế mùa nước năm nào cũng vậy, rắn mối đều hút hàng”.

Mặt hàng bán chạy không kém là rắn nước, rắn bông súng với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, người mua kẻ bán tấp nập. Đặc biệt, tại chợ Hồng Ngự năm nay có thêm mặt hàng chuột đặc biệt là chuột cống nhum, con nào con nấy đen nhem nhẻm, to đùng, được đựng trong các lồng sắt bán rất nhiều.

img
Chiến lợi phẩm mùa lũ của một cậu bé ở Tân Châu.

Một đặc sản mùa nước nổi ai cũng trông chờ là cá linh non. Ở thời điểm này, các chợ đầu nguồn Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc, Cao Lãnh đều có bán cá linh, nhưng là cá non, chỉ lớn bằng đầu chiếc đũa ăn cơm. Do lượng cá đầu mùa về chợ còn ít nên giá cả tại các chợ rất khác nhau và đều cao... trên trời. Tại chợ Hồng Ngự, cá linh non được bán với giá 50.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương ở chợ Cao Lãnh cho biết, đầu mùa nước nổi giá cá linh non có khi được đẩy lên gần 60.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ bán.

Các mặt hàng chủ lực như chuột đồng, cua đồng, ếch, nhái, rắn, rùa… ở các chợ giá khá cao so với mùa nước năm ngoái: Càng cua kềnh càng giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg; chuột đồng 50.000 – 60.000 đồng/kg; rùa từ 200.000 – 250.000 đồng/kg…

Những ngày này, tại các chợ vùng lũ Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc, Cao Lãnh, rất nhiều thương lái từ Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, TP.HCM… xuống tìm mua rắn, chuột, rùa, cá linh non, bông điên điển... đem về bán lại cho các nhà hàng. Long - một dân lái, bật mí: “Mùa lũ về chịu khó đi xa một chút nhưng lại mua được hàng tươi, giá cả lại rẻ, đem về bỏ mối kiếm lời dễ như chơi”.

Cạn kiệt cá, rau...

Do nằm ở vùng thượng nguồn, nước lũ trên sông Tiền ngày một chảy xiết. Nhiều vị cao niên sống trên vùng lũ tỏ ra lo ngại: Ngày xưa ở vùng Tứ Giác Long Xuyên, mỗi khi con nước đổ về bông điên điển mọc bạt ngàn, cá linh, cá sông thì nhiều vô kể. Còn ngày nay do tác động của con người, đặc biệt là việc xây các đập thủy điện trên phía thượng nguồn, sản vật mùa lũ đang dần bị “teo tóp” cả về số lượng và chất lượng. Thậm chí, để có được rau ăn, người dân vùng lũ phải trồng nên không còn ngon như rau tự nhiên.

Ngày nay do tác động của con người, đặc biệt là việc xây các đập thủy điện trên phía thượng nguồn, sản vật mùa lũ đang dần bị “teo tóp” cả về số lượng và chất lượng.

Chúng tôi qua bến đò Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp đến Cù lao Tây nằm giữa hai dòng Tiền - Hậu. “Khu vực cù lao này trước đây tôm cá bạt ngàn, giờ muốn kiếm con cá, con tôm để ủ vài hũ mắm để dành ăn hết sức trầy trật. Cứ theo cái đà đánh bắt tự phát, khai thác triệt để kiểu tận diệt của bà con vùng lũ bằng mọi phương pháp, không sớm thì muộn vài mùa lũ tới các loài thủy hải sản này chắc sẽ không còn” – chú Năm, một người dân địa phương lo lắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem