Sau 1 năm học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới gây tranh cãi, Bộ GD-ĐT đánh giá thế nào?

Tào Nga Thứ năm, ngày 12/08/2021 10:07 AM (GMT+7)
Ngày 12/8, Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.
Bình luận 0

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD-ĐT, 63 điểm cầu tại 63 Sở GD-ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD-ĐT cấp quận, huyện. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Học sinh lớp 1 tự tin, đọc thông viết thạo

Bộ GD-ĐT tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2. Đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh, và tập thể nhà trường, các địa phương, cũng như toàn ngành giáo dục.

Sau 1 năm học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới gây tranh cãi: Bộ GD-ĐT đánh giá thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: Phạm Hưng

Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.

Năm học đặc biệt

Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9, học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nề nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường, thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Sau 1 năm học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới gây tranh cãi: Bộ GD-ĐT đánh giá thế nào? - Ảnh 2.

Một năm học đặc biệt với học sinh cả nước. Ảnh: Phạm Hưng

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành giáo dục cả nước đã chung ta nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và CT GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5. Bộ GD-ĐT ban hành nhiều Thông tư, văn bản kế hoạch, công văn, để kịp thời hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, trong đó tập trung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Trong đó, có kế hoạch về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy học lớp 1, cơ sở vật chất phục vụ năm học 2020-2021. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện về đội ngũ (đủ số lượng, được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn), cơ sở vật chất, sự thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện CT GDPT 2018.

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành CT GDPT cấp tiểu học phù hợp với thực tiễn của địa phương.

5 nhiệm vụ trong năm học mới

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song năm học vừa qua cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Trong đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai CT GDPT 2018. Một số địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên; có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.

Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và nhu cầu phục vụ học tập khác. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số nơi còn cơ học ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Số lượng các trường tiểu học thực hiện CT GDPT 2018 lớn, trải rộng khắp cả nước, có vùng thuận lợi, khó khăn, đặc thù vùng dân tộc… dẫn đến cùng một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện thuận lợi, có nơi lại khó khăn…

Kế thừa kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, giáo dục tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022. Trong đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả CT GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD-ĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện CT GDPT cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định

Đặc biệt, năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra 2 nhiệm vụ mới. Một là chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhiệm vụ mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp tiểu học. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem