Sự thật trái khoáy trên xảy ra ở thôn Đông Giang, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, Đăk Lăk.
Sống trong rừng sướng hơn!
Năm 2004, trước bức xúc về việc dân di cư tự do lấn chiếm rừng phòng hộ làm nương rẫy, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã lập dự án di dời, ổn định 75 hộ dân tại tiểu khu 342A.
|
Sau 3 năm, khu tái định cư biến thành khu nhà hoang. |
Theo đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng cùng đất sản xuất. Tuy nhiên, dự án bất thành do việc cấp đất quá chậm trễ, dân quay lại rừng sinh sống.
Năm 2006, dự án một lần nữa được triển khai với số hộ dân phải di dời tăng thêm 15 hộ. Cùng với việc cấp 5.000m2 đất sản xuất/hộ, người dân còn được cấp nhà ở theo Chương trình 134. Thế nhưng những nỗ lực ấy cũng bất thành. Chỉ một thời gian ngắn, dân lại quay vào rừng.
Chúng tôi gặp anh Vàng A Chống trong ngôi nhà trống hoác tại nơi ở cũ, cách khu tái định cư chừng 10km đường rừng. Hỏi sao không ra nhà mới ở, anh bảo: “Sống ở đây sướng hơn chứ. Nhà tuy xấu nhưng rộng rãi, lại có đất để trồng cái cây, kiếm được cái ăn. Ở nhà xây mà chật chội, thiếu đất, thiếu nước uống thì sống làm sao? Thà ở trong rừng thế này còn sướng hơn”.
Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề và gần như bị cô lập nhưng cũng như Vàng A Chống, hàng chục hộ dân khác ở đây đều khẳng định: “Sống trong rừng sướng hơn”. Bởi đơn giản dù có khó khăn thì ít ra họ còn có được cái ăn. Còn ở ngoài khu tái định cư, dù có đất nhưng cằn cỗi, không thể trồng trọt.
“Hồi mới được ra, tôi cũng mừng lắm! Chỗ ấy sáng sủa, việc giao thương, rồi chuyện con cái học hành… đều thuận lợi. Nhưng chỗ ấy khan nước, đất trồng lại quá xấu. Ở đây, trỉa 1kg đậu giống thu về khoảng 300kg, còn ở đó, khá lắm cũng chỉ được 10kg”- Vàng A Chống cho biết.
Thiếu giải pháp đồng bộ
Chỉ có trẻ em đang đi học và người già yếu sống ở đây thôi. Suốt mấy năm qua khu tái định cư cứ bỏ hoang thế đấy. Vận động mãi mà dân không chịu ra. Không có người coi sóc, nên giờ nhà hư hỏng hết rồi.
Ông Sùng Vảng Lao
Khu tái định cư thôn Đông Giang được xây dựng ngay tại trung tâm xã Ea Dăh. Ở đó, điện, đường, trường, trạm đều rất đầy đủ. Thế nhưng sau 3 năm hoàn thành nó đã biến thành vùng đồi hoang…
Cây cỏ um tùm che hết lối đi, nhà cửa xuống cấp trầm trọng, nhiều nhà chỉ còn trơ trọi 4 bức tường. Trong 90 ngôi nhà thì chỉ có 15 nhà là có người ở chính thức. Các ngôi nhà khác hoặc bỏ hoang hoặc chỉ có người già, trẻ em. Hơn 47ha đất sản xuất đã cấp cho dân bỏ hoang suốt 3 năm qua.
Ông Sùng Vảng Lao - Trưởng thôn Đông Giang, cho biết: Trung bình mỗi hộ dân ở đây có 7- 8 khẩu nên nếu dọn về nhà mới họ cũng không thể ở được.
Ông Phạm Chung- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ea Dăh- cho biết: “Đất ở khu tái định cư là đất bạc màu, sỏi đá. Về nguồn nước thì có 2 giếng khoan, nhưng chỉ dùng được 1 và cũng đã hỏng từ năm 2010.
Ông Chung cũng thừa nhận: “Nếu việc quy hoạch được khảo sát một cách kỹ lưỡng, tính toán một cách toàn diện, đồng bộ thì sự tình trên đã không xảy ra. Dân rất muốn ổn định nhưng với tình trạng như thế quả không dễ gì.”
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng thì việc để dân sống trong rừng là mối “đe doạ” của rừng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.