Tại sao hơn 80% ca ung thư tuyến tiền liệt phát hiện muộn?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 18/11/2022 06:13 AM (GMT+7)
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới. Đáng tiếc, có đến hơn 80% phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có tổn thương di căn xương.
Bình luận 0

"Sét đánh" khi nghe báo mình bị ung thư tuyến tiền liệt

Nghe bác sĩ báo mình bị mắc ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, ông Trần Văn V (61 tuổi, Hà Nội) thất thần, không tin được vào sự thật. 

Ông cho biết, vài năm gần đây ông thường bị rối loạn tiểu tiện, tiểu sót, tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều lần. Tuy nhiên, ông nghĩ do mình có tuổi, có thể bị u tuyến tiền liệt như nhiều người già thường mắc nên bỏ qua không đi khám. 

Tuy nhiên, hai tháng gần đây, ông bị đau cột sống, đau vùng xương chậu, gầy yếu nên đã đi khám Bệnh viện Bạch Mai. Nào ngờ kết quả thăm khám cho thấy ông đã mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Việc điều trị không chỉ tốn kém mà còn có nguy cơ cao không khỏi được bệnh. 

Tại sao hơn 80% ca ung thư tuyến tiền liệt phát hiện muộn?  - Ảnh 1.

Tư vấn về bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh CTV

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhân bị ung thư tuyến ung thư tuyến tiền liệt. Đây là là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi và ngày càng gia tăng. 

Theo PGS Phương, đáng tiếc có đến 80-85% các ca ung thư tuyến tiền liệt ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có di căn xương. 

Hầu hết các trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám do bị đau nhức cột sống, đau nhức hông dữ dội, các dấu hiệu của di căn xương. Còn ở giai đoạn khởi phát với các dấu hiệu rối loạn tiểu tiện thì khong được quan tâm. 

"Các trường hợp phát hiện bện sớm chủ yếu phát hiện trong quá trình đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm phát hiện thấy các tổn thương vôi hóa ở tuyến tiền liệt chứ không phải người bệnh chủ động đi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt", PGS Phương cho biết 

Triệu chứng mắc ung thư tuyến tiền liệt

Bác sĩ Vương Ngọc Dương, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt thường ở tuổi trên 50. Tuy nhiên, gần đây, Trung tâm đã khám và điều trị cho không ít bệnh nhân dưới 50 tuổi. 

Bác sĩ Dương cho biết, nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt chưa xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống không khoa học, lười vận động, người béo phì, tiếp xúc phóng xạ... Một số trường hợp cũng liên quan đến đột biến gen. 

Theo bác sĩ Dương, đàn ông cần phải "coi trọng" các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, bí tiểu cấp... Khi có các triệu chứng này cần phải đi khám để được chẩn đoán xem có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không. 

Bởi khi bị đau xương, gãy xương, tiểu ra máu thì có nghĩa bệnh đã chuyển sang dấu hiếu tổn thương di căn xương, bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. 

"Đàn ông khoảng 50 tuổi cần đi khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ. Đặc biệt, nếu gia đình có người mắc ung thư này cần phải đi khám sớm", bác sĩ Dương nhận định. 

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu tổ chức Chương trình "Khám sàng lọc phát hiện sớm và tư vấn miễn phí về bệnh ung thư tuyến tiền liệt" tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2.000 người. Đối tượng là nam trên 50 tuổi, trên 45 tuổi có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt, vào thứ 5 hàng tuần.

Chương trình khám miễn phí bắt đầu từ hôm nay - thứ năm ngày 17/11 và sẽ diễn ra vào thứ 5 hàng tuần cho đến khi kết thúc chương trình với tổng số 2.000 người. Thời gian: từ 7h30-11h30, các ngày thứ 5 hàng tuần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem