Tấm lòng người đàn ông sửa xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật trên phố Đà Nẵng

Anh Thư Thứ năm, ngày 16/03/2023 10:17 AM (GMT+7)
Dòng chữ “Học sinh, người tàn tật miễn phí” được in trên bảng hiệu tiệm sửa xe di động của ông Trần Viết Hùng (56 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) khiến tôi có cái nhìn đầy thiện cảm dành cho ông.
Bình luận 0

Gần 30 năm nay, ngay góc ngã tư Hà Huy Tập – Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), tiệm của ông Hùng thầm lặng bơm, vá xe miễn phí cho các em học sinh và người khuyết tật khi đến sửa. Công việc vất vả, thu nhập lại chẳng cao, thế nhưng ông vẫn muốn giúp đỡ, không lấy đồng nào từ họ.

Tấm lòng người đàn ông sửa xe miễn phí trên phố Đà Nẵng - Ảnh 1.

Những lúc không có khách, ông Hùng thường ngồi nghe nhạc thư giãn. Ảnh: Anh Thư

Tiệm sửa xe mở vào lúc 3 giờ chiều, đến tầm 3 giờ sáng hôm sau thì ông dọn dẹp để trở về nhà. Nằm ở đoạn đường đông người qua lại, tiệm sửa xe ông thu hút được những cô, cậu học trò đến bơm xe. Thi thoảng, có người khuyết tật đến sửa, ông không lấy tiền mà còn vui vẻ mời họ uống nước.

Ông cho hay, đa phần học sinh cấp 2, cấp 3 đến đây bơm, vá. Dắt xe đến chỉ cần nói: "Chú Hùng bơm giúp con chiếc xe" hay "Chú ơi, xe con bị thủng lốp giữa đường", ông nở nụ cười hiền từ và lập tức bơm, sửa ngay. Thay vì trả tiền, các em học sinh nói lời cảm ơn khiến ông vui và hạnh phúc.

Ông Hùng cười kể lại: "Có lần, một em học sinh bị thủng lốp dắt bộ ngang qua đây. Gọi vào hỏi, em bảo xe hư nhưng không đủ tiền để vá. Tôi thấy thương nên vá không lấy tiền nhưng em cứ loay hoay tìm tiền trong cặp vì ngại. Từ đó, tôi phải làm tấm bảng miễn phí thế này để các em biết mà đến".

Tấm lòng người đàn ông sửa xe miễn phí trên phố Đà Nẵng - Ảnh 2.

Dù thu nhập không ổn định, ông vẫn thấy vui vì việc làm ý nghĩa của mình. Ảnh: Anh Thư

Gọi là tiệm nhưng thực chất chỉ là chiếc xe máy 3 bánh cũ cùng đồ nghề sửa xe, gắn thêm một chiếc loa nghe nhạc để ông cảm thấy đỡ buồn mỗi khi vắng khách. Thu nhập của ông mỗi ngày khác nhau, ngày khách đông thì được 200.000 đồng – 300.000 đồng, khách ít thì chỉ vài chục ngàn.

Hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi 3 đứa con đi học cùng mẹ già, hai vợ chồng ông Hùng luôn cố gắng tiết kiệm. Nhiều người hay bảo không có tiền thì đừng làm miễn phí, ông chỉ cười và nói, giúp học sinh và người tàn tật không có gì là to tát. Tiền bạc quan trọng, nhưng giúp được gì thì cứ giúp cho đời. Sự tử tế và nhiệt tình từ sâu trong tâm của ông Hùng khiến nhiều người xung quanh yêu mến ông.

"Lúc mới làm, tôi chỉ sửa xe miễn phí cho học sinh, sau đó thấy ai đi xe đạp tôi cũng bơm, vá miễn phí cho họ vì đa số đều có hoàn cảnh khó khăn như mình. Riêng những người khuyết tật thì tôi làm miễn phí từ những thứ nhỏ nhất. Nhận lại được niềm vui của mọi người, tôi thấy hạnh phúc vì làm được một việc tốt", anh Hùng chia sẻ.

Em Nguyễn Xuân Tú, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: "Em đi học không có nhiều tiền, mỗi khi đến đây sửa xe chú luôn không lấy tiền. Em chỉ mong chú thật nhiều sức khỏe để làm thật nhiều việc tốt".

Tấm lòng người đàn ông sửa xe miễn phí trên phố Đà Nẵng - Ảnh 3.

Mưu sinh cực khổ nhưng niềm vui nhân đôi khi nhận lại được từ những lời cảm ơn của các em học sinh, người khuyết tật khi đến sửa xe. Ảnh: Anh Thư

Nhiều khi vừa về đến nhà, ông Hùng nhận được điện thoại của ai đó bị hư xe khẩn cấp, ông lại lật đật chạy đến để giúp không quản xa gần. Trong suy nghĩ của ông Hùng, cho đi sẽ được nhận lại, nếu không giúp thì ông sẽ trằn trọc và áy náy trong lòng.

Chia sẻ nhiều câu chuyện với tôi, ánh mắt của người đàn ông có làn da ngăm đen hiện lên sự hiền lành, chất phác. Tiệm bơm vá 325 Điện Biên Phủ của ông Hùng luôn cho đi, sẵn sàng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn khi đến sửa xe. "Cho đi để nhận lại những điều tốt đẹp dù là nhỏ nhất, miễn là chúng ta hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống", ông Hùng tâm tư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem