Tào Linh và cõi lặng im

Thứ tư, ngày 19/03/2014 10:54 AM (GMT+7)
Tên triển lãm của anh là lạ, “Một bầy lặng im”, tác giả bảo cũng là sự tình cờ, khi bắt gặp tên một bài thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư - “Một bầy lặng im”, đồng cảm và thành tên triển lãm.
Bình luận 0
Sinh năm 1960, Tào Linh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1983. Cái nghề kỹ sư điện của anh hình như chẳng dính dáng chút gì đến hội họa, nhưng Tào Linh nói anh vẽ mấy chục năm rồi, và rất có cảm hứng với những đôi mắt và sự lặng im.

Kể cũng lạ, tạo hóa đã cho con người đầy đủ giác quan, cả mắt, tai, mũi, miệng và những ngón tay, vậy mà đôi khi, con người giảm phần nhìn, phần nghe để tôn vinh… phần nói. Tào Linh hẳn đã phải có ý tứ riêng của anh khi chỉ tập trung vào những đôi mắt với rất nhiều sắc thái biểu cảm, chất chứa một đời sống nội tâm phong phú, đủ để chọn cách lặng im thay vì nói ra.

Tác phẩm “Một bầy lặng im 3”  của họa sĩ Tào Linh.
Tác phẩm “Một bầy lặng im 3” của họa sĩ Tào Linh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương- chủ nhân Gallery 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội)- người đứng ra chọn tranh và tổ chức triển lãm cá nhân cho họa sĩ Tào Linh cho biết: “Tôi đã từng được mời đến xem tranh của rất nhiều người, trong đó có nhiều người nổi tiếng, nhưng họ lúc nào cũng bảo: Ông xem đi, tôi vẽ chơi ấy mà. Tào Linh thì khác, hôm mời tôi đến nhà xem tranh, anh nói hãy xem tranh của tôi với tư cách của một họa sĩ. Đó là điều khiến tôi thấy rất trọng Tào Linh, người đã tự xác định vị trí của mình, như một người chuyên nghiệp và dám đương đầu với tất cả”.

Trong thế giới của giấy dó hay sơn dầu, Tào Linh luôn là chính anh, 17 bức tranh trưng bày ở triển lãm lần này được chọn cố tình để trùng với ngày khai mạc 17.3, trùng với ngày sinh của anh, chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới lặng im mà họa sĩ biết mình thuộc về đó. Những bức “Cây 3”, “Một bầy lặng im”... cho người xem cảm giác vương vấn và day dứt mãi không thôi bởi ngắm tranh mà như đang đối diện với chính mình, tự hỏi trong đời có những lúc nào đó, thế giới như im bặt mọi tiếng động để chỉ còn đôi mắt và lương tâm tự vấn.

Phố xá, mặt người, đôi mắt, lùm cây, gió mưa… vào tranh của Tào Linh thong thả, dịu dàng bằng cách cảm của anh - đúng như lời họa sĩ Lê Thiết Cương rằng “Tào Linh là người không ưa tả kể, không câu nệ, không cụ thể là gì, là ai. Dường như những câu hỏi này với anh lại là vô nghĩa”.

Xem tranh của Tào Linh giống như bạn bước lên một chuyến tàu, mà việc đi đến đâu, đi với ai không, đi bao lâu không có gì là quan trọng nữa. Như cuộc sống này, chọn một sự lặng im giữa bộn bề âm thanh, giữa biển cả trùng trùng ngôn ngữ vốn không phải chuyện dễ dàng, cho bất cứ ai.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem