Dễ tạo “điểm nóng”
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện có hơn 282.000ha đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, tranh chấp tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, trong đó 70% đã giao quyền sử dụng cho các đơn vị quản lý. Thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã triển khai kế hoạch thu hồi để trồng lại rừng, nhưng kết quả không đáng kể.
Đất rừng bị lấn chiếm tại xã Quàng Sơn, huyện Đăk G'long, Đăk Nông. Ảnh: T.K
Sau một năm thực hiện “đóng cửa rừng” theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã phát hiện 561 vụ vi phạm, với hơn 3.160 m3 gỗ các loại, diện tích rừng thiệt hại hơn 13ha. Cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý hành chính 531 vụ, khởi tố hình sự 19 vụ.
|
Tại tỉnh Đăk Lăk có 60.000ha phải thu hồi, đến nay các huyện mới chỉ triển khai cầm chừng. Như huyện Krông Bông mới thu hồi được 1,8/17.000ha bị lấn chiếm, huyện M’Đrăk 30/1.247 ha, huyện Ea Súp 300/15.000ha…
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp – cho biết, các đối tượng lấn chiếm kích động, tụ tập đông người để chống đối, cản trở nên rất khó thu hồi. Giữa năm 2016, khi lực lượng liên ngành của huyện xử lý hộ dân lấn chiếm 1,7ha tiểu khu 286 do xã UBND Cư M’lan quản lý thì anh Huỳnh Ngọc Vinh – cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện – bị đối tượng chém bị thương.
Còn ông Lê Văn Ba - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện M’Đrăk – cho biết, chỉ riêng Xí nghiệp giấy Tân Mai được UBND tỉnh cho thuê đất trồng rừng đã bị người dân lấn chiếm hết 800ha. Nhưng việc thu hồi lại đụng đến đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vốn còn nhiều khó khăn, nếu làm ồ ạt dễ tạo ra những điểm nóng. Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk – thừa nhận, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, lập phương án, một số thống kê còn chưa chính xác về hiện trạng, đối tượng lấn chiếm.
Thu hồi đã khó, nhưng khi trồng rừng lại bị người dân tái chiếm như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk) trồng được được 65ha thì bị phá 34ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh (Ea Súp, Đăk Lăk) trồng được 106ha bị nhổ bỏ hoàn toàn…
Giao khoán lại cho người dân
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những khó khăn trong việc thu hồi đất trồng lại rừng là vấn đề dân di cư tự do, với hơn 36.000 hộ chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay các tỉnh Tây Nguyên mới bố trí được 15.400 hộ tại 57 dự án, còn lại 20.711 hộ chưa được sắp xếp ổn định, trong đó có 1.064 hộ đang sinh sống trong rừng, chưa có đất sản xuất, đời sống khó khăn.
UBND các tỉnh Tây Nguyên đã lập kế hoạch sắp xếp cho số hộ này, song tiến độ rất chậm do kinh phí bố trí chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu các dự án.
Mặt khác việc thu hồi diện tích rừng phá, lấn chiếm bằng phương pháp cưỡng chế, giải tỏa đang gặp nhiều khó khăn do diện tích quá lớn, người dân đã canh tác lâu năm, hễ đụng vào là bị chống đối quyết liệt, tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất bóc tách những diện tích người dân đã canh tác lâu năm ra khỏi các lâm phần, giao địa phương quản lý để ưu tiên bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hoặc có cơ chế cho các công ty lâm nghiệp giao khoán, cho thuê để người dân yên tâm đầu tư trồng rừng nhưng không cấp “sổ đỏ” nhằm tránh tiền lệ xấu. Cách làm này cũng đang được một số chủ rừng thực hiện, như Công ty Lâm nghiệp Đăk Glei (Kon Tum), Công ty Lâm nghiệp Buôn Wing (Đăk Lăk).
Đặc biệt UBND tỉnh Gia Lai đang áp dụng cho kế hoạch thu hồi 30.000ha đất rừng bị lấn chiếm giai đoạn 2017 – 2019. Phương án này sẽ tạm thời ổn định đất đai, tránh tình trạng mua bán, hợp thức hóa thành đất nông nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, đơn vị quản lý đất rừng chỉ vận động được người dân trồng rừng ở những vùng núi cao, đất đai cằn cỗi. Còn những vùng đất bazan màu mỡ, thích hợp với các loại cây nông nghiệp có giá trị cao, như cà phê, cao su, hồ tiêu… thì người dân kiên quyết không hợp tác. Đó là chưa kể hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp bị dân lấn chiếm và sử dụng, các công ty lâm nghiệp đã giải thể, địa phương nhận bàn giao chưa có phương án xử lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.