Tép bạc hay tép đất là tên dân gian dùng để gọi loài téo có con lớn cỡ ngón tay cái, màu bạc, có râu và chót đuôi màu đỏ. Tại vùng nước lợ, cách biển vài chục cây số, nước thường chảy mạnh khi thủy triều lên, xuống. Chính nơi đây là môi trường lý tưởng cho loài tép bạc, tép đất, tôm thẻ, tôm càng sinh sống.
Tép bạc.
Tép bạc nướng cọng dừa.
Dọc theo các dòng sông, lòng rạch miền quê, người ta thường hay đặt nò để bắt tép bạc. Nò làm bằng tre, trúc. Miệng nò đặt giữa hai tấm đăng bện bằng sậy. Độc đáo là miệng nò được dân gian chọn ngay nơi có dòng nước chảy xiết. Đặt tính của tép là hay bơi ngược dòng chảy. Chúng lại thích ánh sáng. Vì thế, trên miệng nò người ta còn đốt ngọn đèn dầu leo lét treo tòn ten để dụ tép vào. Nước chảy mạnh tạo tiếng kêu tí tách, tép hươ râu đỏ nước. Chừng non canh một (khoảng 9 giờ tối) người ta bắt đầu dỡ nò bắt tép. Tép được rọng trong giỏ tre treo lềnh bềnh trên mặt sông, vì nếu nước đứng, tép sẽ chết. Sáng hôm sau, người ta “thăm” nò thêm lần nữa. Tép tươi ngon ăn đủ cả ngày hôm sau.
Sẵn những con tép tươi nhảy xoi xói, trẻ con nhà quê có dịp trổ tài chế biến món ngon độc đáo. Các em chọn lá dừa tươi, tước lấy cọng rồi xỏ lụi dọc theo mình tép đem nướng trên bếp than hồng khi mẹ, bà ở nhà nấu cơm. Tép nướng đỏ au, vỏ cháy sém. Đem ra, cạo sơ lớp cháy khét là có ngay những miếng ăn giòn, ngọt không gì tả nổi. Năm bảy em cầm vài con tép nướng vừa chạy chơi, vừa nhai ngấu nghiến.
Tép nướng cũng có thể ăn với cơm. Bạn bè gặp nhau, có được chục ngoài con tép nướng nhâm nhi với vài chung rượu đế thì thật đã đời!Thứ ăn chơi mà bổ dưỡng, no lòng. Thú vị hơn, những ký ức miền quê dân dã đó đã thành kỷ niệm theo suốt đời người. Hồn quê, tình yêu thương, lòng nhân ái có lẽ bắt đầu từ những điều giản dị như vậy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.