Làng tôi không hiện đại như những ngôi làng ở các nước, nhưng làng tôi có vẻ đẹp hòa quyện của thơ ca, của nhạc họa. Đặc biệt, tôi rất nhớ cánh cổng làng - dấu hiệu dễ nhận biết nhất của những ngôi làng miền Bắc. Khi còn nhỏ, tôi hay hỏi cha: “Khi nào chúng ta mới về đến làng mình?”. Cha tôi thường nói: “Khi nào con nhìn thấy cổng làng cao lừng lững, đó là lối rẽ vào làng và phải đi qua một cánh đồng nữa mới về đến nhà”.
Tôi luôn nghĩ thật kỳ lạ khi càng ngày càng có nhiều người nghĩ đến việc đi du lịch thật xa trong dịp tết đến xuân về chứ không định về quê quay quần bên gia đình, làm mâm cỗ, trò chuyện, đón giao thừa. Ngày nay có mấy người trẻ còn về nơi quê cha đất tổ để đón tết, có mấy người thế hệ trẻ biết tất cả các lễ nghi các phong tục mà các ông bà đã làm trong dịp tết, biết nấu mâm cỗ tết? Có mấy cô bé cậu bé giờ còn biết cảm giác hạnh phúc được ngồi bên bà trò chuyện trông nồi bánh chưng ở gian bếp đơn sơ, bày cỗ cúng giao thừa với mẹ, nghe bố kể chuyện ngày xưa cả xóm mổ lợn đón xuân, nghe ông ngâm thơ xuân? Tết ở quê có thể đơn sơ hơn, nhưng lại ấm cúng hơn, và đối với tôi, tết quê mới mang đậm hương vị tết vốn có, dù xã hội có đổi mới, những nét cổ truyền vẫn mãi mãi phải được lưu giữ.
Bạch Dương (Đại học Moscow, Nga) (Bạch Dương (Đại học Moscow, Nga))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.