Thân phận "cô dâu" Việt bị lừa sang Trung Quốc: Tạo sinh kế cho người trở về

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 13/11/2014 07:48 AM (GMT+7)
Thoát khỏi nanh vuốt của quỷ dữ, những nạn nhân buôn bán người trở về quê hương trong sự khó nhọc cả về vật chất lẫn tinh thần. Những con người thiếu may mắn này rất cần sự sẻ chia của xã hội để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Bình luận 0

Tặng “cần câu cơm”

Khoe với chúng tôi con bò từ Chương trình “Chấm dứt mua bán người” do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới trao tặng, chị Nguyễn Thị Th (Hải Lăng, Quảng Trị) vui mừng cho biết: “Đây là món quà quý giá nhất mà tôi được nhận. Nó sẽ là điểm tựa về kinh tế. Tôi sẽ cố gắng nuôi bò thật tốt, dần dần phát triển đàn bò để có cái ăn sau này”.

img

Chị Nguyễn Thị Th vui mừng vì được nhận con bò từ Tổ chức Tầm nhìn Thế giới.

 

Ngày chị bị lừa bán sang Trung Quốc, đứa con gái út chưa tròn 1 tuổi. Sau gần 3 năm chịu khổ ải ở xứ người, ngày trở về chị nhận thêm tin dữ: Vì chịu cảnh đói rét lâu ngày nên đứa con thơ dại đã lìa khỏi trần gian, còn người chồng già yếu vẫn nằm liệt giường. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, tưởng chừng chị không thể trụ vững. Cũng may, gia đình, làng xóm thấu hiểu được nổi đau của chị nên ra sức động viên, sẻ chia với chị lúc cơ hàn, giúp chị vững tin sống tiếp. Chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Thọ kết nạp thành hội viên và tham gia tích cực trong tất cả các hoạt động, hòa nhập tốt với cộng đồng. Tháng 4 vừa rồi, chị được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới quan tâm hỗ trợ 1 con bò làm vốn liếng phát triển kinh tế.

Cũng trở về sau ngày tháng ê chề của nạn buôn người, chị V.T.T.T (thị xã Quảng Trị) được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ một máy ép dẻo, ép ảnh trị giá trên 12 triệu đồng để làm phương tiện mưu sinh. Chị T cho biết, trước đây chưa có máy ép dẻo chị phải làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy, quần quật cả ngày mà chẳng đủ tiền nuôi con. Nay hàng ngày chị đẩy máy đi bộ vài chục cây số đến tận các làng, xã để hành nghề nhưng thu nhập khá hơn trước.

Được biết, thời gian qua, Sở LĐTBXH đã phối hợp Bộ đội Biên phòng, công an và các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về bằng cách sắp xếp chỗ ở tạm trú; tư vấn pháp luật, tâm lý, động viên; đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương giúp đỡ nạn nhân vay vốn làm ăn, học nghề, chăm sóc y tế… Đối với những trường hợp chưa trở về, hàng năm, công an tỉnh đều phối hợp chính quyền các địa phương đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, xác minh thông tin về các trường hợp này.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin


Ông Lưu Văn Năng • Trưởng phòng 
Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTBXH Quảng Trị
 Hiện nay, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, dự án dành cho những nạn nhân mua bán người còn hạn hẹp. Tuy nhiên, những cần câu cơm được trao tặng sẽ là niềm động viên giúp họ vượt qua mặc cảm để sớm tái hòa nhập cộng đồng... 
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, từ năm 1994 đến nay, trên địa bàn có 30 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc. Ở tuyến biên giới Việt - Lào, lực lượng chức năng hiện vẫn chưa xác định một cách đầy đủ, cụ thể số lượng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên, con số ấy chắc chắn không hề nhỏ.

 

Cuối tháng 10.2014, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã đấu tranh thành công Chuyên án 662 M, triệt phá đường dây buôn bán phụ nữ sang Lào và ép làm gái mại dâm, bắt giữ 2 đối tượng là Phạm Thị Tuyến (SN 1975) và Phan Thị Bích Thủy (SN 1957, cùng quê Nghệ An). Lực lượng trinh sát đã phối hợp Công an Lào giải cứu 2 nạn nhân là Quàng Thị T (13 tuổi, quê Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) và Cút Thị S (17 tuổi, quê Bảo Nam 2, Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là 2 nạn nhân đã bị các đối tượng ép bán dâm từ gần 4 tháng nay. Trong đó, nạn nhân T bị ép bán trinh với giá 1,5 triệu kíp Lào, sau đó mỗi ngày phải bán dâm từ 5 - 7 lượt. Tuy chuyên án đã trở thành một điểm sáng trong công tác phòng chống buôn bán người, nhưng đây chỉ là một trong số ít vụ buôn bán người được phát hiện.

Thượng tá Phan Thanh Minh – Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cần việc làm cùng với sự nhẹ dạ, cả tin của chị em, bọn tội phạm đã lừa phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc, Lào… để ép bán trinh, sau đó đưa vào các động mại dâm. Hiện nay, các đối tượng buôn bán người còn dùng các chiêu thức tinh vi như làm quen qua mạng và rủ đi du lịch, buôn bán; bố trí các nam thanh niên tán tỉnh rồi lừa đảo; lợi dụng mối quan hệ họ hàng, bạn bè… Cá biệt có trường hợp từng là nạn nhân, sau đó quay lại trở thành thủ phạm trong các vụ mua bán người qua biên giới. Chúng quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ của nạn nhân, không cho nạn nhân giao tiếp với bên ngoài. Nếu họ chống đối sẽ bị chúng tra tấn, đánh đập, bỏ đói… Tội phạm buôn bán người có đường dây hoạt động kín kẽ, bài bản. Trong quá trình gây án, chúng thuê bảo kê, côn đồ, sử dụng hung khí, sẵn sàng đánh trả nếu bị phát hiện… Hơn nữa, các nạn nhân có tâm lý e ngại không dám tố cáo tội phạm và những thủ tục pháp lý quốc tế còn khó khăn. Chính vì những nguyên nhân trên mà công tác phòng chống loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.

“Thời gian tới, lực lượng biên phòng tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, mở rộng các chuyên án điều tra, thường xuyên theo dõi các hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tư vấn người đi xuất khẩu lao động, phối hợp với các ban ngành địa phương tuyên truyền, giáo dục… Nhưng điều quan trọng nhất là cần sự cảnh giác và tố cáo tội phạm của người dân thì nạn buôn bán người mới được hạn chế” - thượng tá Phan Thanh Minh – Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem