Như Dân Việt đã nhiều lần thông tin, Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sau nhiều lần “đại phẫu”, đã được “giải cứu” theo phương án di dời sang địa điểm mới, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Nhà máy cũ được phá dỡ nhường chỗ cho Tổ hợp khu đô thị có tổng vốn đầu tư hơn 2100 tỷ đồng. Nhưng dự án di dời, cải tạo nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng vẫn "dậm chân tại chỗ".
Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng đã được tháo dỡ để xây dựng khu đô thị
Dự án di dời nhà máy “trên mây trên giấy”
Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng bắt đầu “thoi thóp” từ tháng 1.2013. Doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng, ngừng sản xuất, các chủ nợ gõ cửa đòi tiền, công nhân mất việc, không được đóng bảo hiểm.
Ngày 5.5.2016, Ngân hàng, Công ty Gia Sàng nhất trí đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự xử lý bán đầu giá tài sản bị kê biên nhưng người mua trúng đấu giá không tháo dỡ tài sản, đảm bảo cho mục đích tái cơ cấu sản xuất.
Tháng 7.2016, Công ty CP Thương mại Thái Hưng là đơn vị duy nhất tham gia đấu giá và trúng đấu giá với số tiền 56,8 tỷ đồng.
Công ty Thái Hưng trở thành nhà đầu tư “giải cứu” thép Gia Sàng. Đơn vị này đã đầu tư hơn 152 tỷ đồng để khôi phục sản xuất vào tháng 12.2016. Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, Công ty Gia Sàng vẫn phải dừng sản xuất do thua lỗ, máy móc, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo an toàn sản xuất.
Kế hoạch “giải cứu thép Gia Sàng” được chuyển hướng. Theo đó, Công ty Luyện cán thép Gia Sàng và nhà đầu tư thống nhất xây dựng Dự án di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư.
Dự án này dự kiến được xây dựng trong khuôn viên Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Công ty Thái Hưng cũng đang có 20% cổ phần tại Gang thép Thái Nguyên) trên diện tích 5ha.
Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng liệu có còn hoạt động trở lại?
Vị trí đất vàng hơn 22ha trước đây đặt Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng được chính nhà đầu tư là Công ty Thái Hưng xây dựng Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng. Tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng.
Dự án này sau đó đã được ông Vũ Hồng Bắc – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định đồng ý chủ trương thực hiện, được đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp, hoạt động bán đấu giá tài sản Công ty Gia Sàng không khách quan, minh bạch. Cụ thể là đưa vào Quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá.
|
Nhà máy cũ nhanh chóng được phá dỡ, khu đô thị đang được khẩn trương xây dựng. Nhưng đến nay, dự án nhà máy mới vẫn chưa thấy đâu, người lao động của thép Gia Sàng trước đây vẫn phải vác đơn cầu cứu khắp nơi.
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Thanh Thuân – một công nhân cũ của Công ty Gia Sàng cho biết bà và chồng phải tự đóng nốt các khoản nợ tiền Bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu. Trước Tết vừa qua, vợ chồng bà Thuân mới nhận được 10% khoản tiền hỗ trợ nghỉ hưu.
“Họ chỉ muốn xây nhà cho nhanh, còn dự án nhà máy mới như trên mây trên giấy” – bà Thuân cho hay.
Người lao động Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng vẫn phải cầu cứu vì quyền lợi lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều năm qua chưa được giải quyết thỏa đáng.
Nhà đầu tư Thái Hưng có thất hứa?
Trong quá trình “giải cứu” thép Gia Sàng, cơ quan thi hành án dân sự đã kê biên toàn bộ nhà làm việc, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ quản lý, kho bãi, vật kiến trúc và công trình phụ trợ để tổ chức bán đấu giá. Nghĩa là toàn bộ tài sản trên đất, không bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng.
Quá trình sổ đỏ đất vàng ở thép Gia Sàng về tay Công ty Thái Hưng diễn ra như thế nào?
Diện tích hơn 22,6ha đất của Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đất đến ngày 18.5.2047, gồm 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 11.9.2007.
Công ty CP Thương mại Thái Hưng trở thành nhà đầu tư dự án Tổ hợp đô thị trên 22ha "đất vàng" sau khi vào cuộc "giải cứu" thép Gia Sàng
Sau khi Công ty Thái Hưng trúng đấu giá với giá 56,8 tỷ đồng (cao hơn mức giá khởi điểm 50 triệu đồng), các bên đã làm thủ tục bàn giao tài sản, 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Thương mại Thái Hưng.
Ngày 23.9.2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định thu hồi hơn 21,9ha đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp do Công ty Gia Sàng thuê để cho Công ty CP Thái Hưng thuê. Trong đó, 21,4ha sử dụng đầu tư Nhà máy Luyện cán thép, 0,57ha đất làm sân thể thao phục vụ sản xuất kinh doanh.
Văn bản trả lời Chính phủ do ông Đoàn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký, đã lý giải: “UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty CP Thương mại Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà máy Luyện cán thép và sân thể thao là thực hiện các quy định pháp luật về bán tài sản gắn liền với đất thuê, không căn cứ vào Hợp đồng bán đấu giá tài sản”.
Đến nay, diện tích đất kể trên đã được Công ty CP Thương mại Thái Hưng xây Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng. Dự án này do chính Công ty Thái Hưng đề xuất thực hiện và được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp, di chuyển Nhà máy cán thép Gia Sàng vẫn chưa thấy đâu.
Vị trí đất trước đây là Nhà điều hành Công ty CP Gia Sàng
Ông Bùi Long Xuyên – Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng xác nhận với Dân Việt dự án di dời nhà máy vẫn đang dậm chân tại chỗ, do nhiều nguyên nhân.
Theo thông tin Dân Việt có được, Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đang làm thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp này phá sản, thì kế hoạch “giải cứu” còn ý nghĩa gì? Tại sao UBND tỉnh Thái Nguyên không tính đến phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án mà giao thẳng cho nhà đầu tư? Những ai được hưởng lợi lớn nhất trong việc “giải cứu” thép Gia Sàng?
PV Dân Việt đã nhiều lần liên hệ với UBND tỉnh Thái Nguyên để đề nghị được giải đáp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.