Cà cuống sống nơi đồng ruộng hoặc ao hồ, sông rạch, thích ánh sáng đèn và chúng thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Mỗi khi màn đêm buông xuống, nơi nào có ánh đèn sáng thì chúng thường bay ra. Biết được những đặc điểm nêu trên, bọn chúng tôi thường tụ tập dưới những cột đèn đường sau cơn mưa để bắt cà cuống.
Con cà cuống (Ảnh sưu tầm, nguồn: Internet)
Nhớ lúc bấy giờ, công trình làm Bến xe mới ở Cần Thơ quê tôi (nay là Ngã Tư vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương, Nguyễn Trãi - Trần Phú) đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Đây là điểm tập kết của bọn trẻ chúng tôi mỗi khi màn đêm buông, để rượt bắt cà cuống. Khi những con cà cuống từ dưới ruộng hay mương, rãnh bay lên thì một cuộc rượt đuổi ồn ào và ngoạn mục lại diễn ra. Có những con cà cuống mạnh bay rất nhiều vòng, khi chạm xuống mặt đất rồi lại vụt bay lên, làm chúng tôi chạy theo, bám riết. Lúc cà cuống mệt rơi xuống đất thì cả bọn chạy nhào đến tranh giành, lắm khi rách cả áo, trầy cả chân. Có lần vì sơ ý chụp nhanh tay quá, tôi bị chúng chích la ơi ới trong đêm!. Tuy thế, nhưng chúng tôi vẫn vui cười và tiếp tục chờ những lần đuổi bắt kế tiếp cho đến tận khuya khi không còn con nào bay lên nữa mới thôi. Trong mỗi đêm, nếu may mắn bắt được vài trăm con cà cuống rất dễ dàng!.
Cà cuống khi bắt về, chúng tôi phân loại con đực (thường có mình nhỏ, dẹt và có bọng tinh dầu) đem đi bán; còn con cái (lớn, bụng to, thường có trứng màu vàng chanh) thì đem chiên giòn. Thịt cà cuống mà chiên giòn ăn rất ngon vì thịt ngọt, trứng dẻo và bùi; trên lưng nó còn có 2 cục thịt như thịt nạc heo rất dai!.
Tôi còn nhớ ở TP.Cần Thơ lúc bấy giờ, nơi thu mua cà cuống là nhà bác sĩ Trương (người vùng Bắc bộ) cư ngụ nơi đường Nguyễn Trãi. Hễ ai có cà cuống mang lại thì bao nhiêu ông cũng mua hết. Nhờ bán cà cuống mà hôm sau trong túi bọn chúng tôi rủng rỉnh những đồng tiền để có thể ăn quà vặt buổi sáng, thậm chí tối đến cũng có thể mua vé xem hát bóng hạng “cá kèo”.
Đặc sản bánh cuốn Thanh Trì chấm với mắm cà cuống thì ngon quên chê (Ảnh sưu tầm, nguồn: Internet)
Chuyện con cà cuống, ngày nhỏ tôi còn được nghe nội kể: Thời nhỏ của nội, lúc bấy giờ, đồng ruộng miền Tây mình lắm tôm cá, hễ xuống sông tắm là cá rỉa rát cả chân. Hàng ngày xách lọp hay lờ đi đặt dưới sông hay ngoài đồng, ngoài số cá, tôm bắt được, trong thùng lúc nào cũng có vài con cà cuống. Và, bản thân nội cũng rất “ghiền”món nước mắm có tinh dầu cà cuống. Biết được sở thích này, bà con lối xóm mỗi khi bắt được cà cuống thường mang đến biếu. Thế là, nội mang cà cuống vào bếp nướng cho chín vàng và bỏ vào chai nước mắm (loại nước mắm rươi, đặc sản Bến Tre) để dùng trong năm. Và, món mà nội thích nhất lúc bấy giờ là gỏi gà luộc trộn lá chanh non chấm nước mắm rươi có chút tinh dầu cà cuống!.
Giờ đây, nội tôi đã ra người thiên cổ, nhưng những kỷ niệm tuổi thơ lẫn câu chuyện mà ông đã kể về con cà cuống vẫn còn đọng mãi trong tôi. Mỗi khi vào quán ăn tô bún thang, đĩa bánh cuốn,... có món nước chấm tinh dầu cà cuống là tôi lại cảm giác lâng lâng khó tả và bữa ăn cũng thấy ngon miệng, đậm đà hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.