Thời kỳ "mặn nồng" ngắn ngủi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

Mai Đại (theo Business Insider) Thứ ba, ngày 09/01/2018 10:25 AM (GMT+7)
Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Triều Tiên và Hàn Quốc bất ngờ nối lại đối thoại. Ít ai biết rằng trong quá khứ, cả 2 nước này cũng đã từng thân thiện với nhau.
Bình luận 0

Vào ngày 7.7.1988, khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, Tổng thống Hàn Quốc lúc ấy là Rho Tae-woo đã đưa ra kế hoạch “chủ động, khuyến khích giao lưu giữa người dân Triều Tiên và Hàn Quốc, bao gồm các chính trị gia, doanh nhân, phóng viên, lãnh đạo văn hóa, tôn giáo, nghệ sĩ, học giả và sinh viên”. Dù tương tự như chính sách Ostpolitik của Tây Đức – vốn dùng để hàn gắn sự cách biệt và thống nhất nước Đức, thế nhưng phải mất hơn 10 năm, chính sách có tên Nordpolitik của cựu Tổng thống Rho mới đi vào thực tế.

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il bắt tay với tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung ở sân bay Sunan tại Bình Nhưỡng vào ngày 13.7.2000. Ảnh: Pool/Reuters

Vào năm 2000, lần đầu tiên kể từ thời điểm 2 miền Triều Tiên bị tách biệt, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp gỡ tại Bình Nhưỡng. Trong lần gặp gỡ này, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Kim Dae-jung đã trấn an nhà lãnh đạo Kim Jong-il rằng Seoul muốn chung sống hòa bình với Bình Nhưỡng chứ không có ý định “nuốt chửng” nước này.

Sau lần cuộc gặp thượng đỉnh, chính phủ 2 bên đã mở rộng nhiều hoạt động hòa bình xuyên biên giới như hỗ trợ nhân đạo, phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi văn hóa-xã hội. Kết quả là chỉ sau vài năm Nordpolitik được triển khai, hơn nửa triệu người đã di chuyển qua biên giới giữa 2 nước và gần 2 triệu du khách Hàn Quốc ghé thăm Triều Tiên.

Thế nhưng, quá trình hòa bình này đã biến mất, thay vào đó là 1 mối quan hệ như nước với lửa kéo dài trong nhiều năm.

Điều gì đã xảy ra?

Theo Bussiness Insider, sự thân thiện giữa 2 miền đã chấm dứt sau Thông điệp Liên bang năm 2002 của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Cụ thể, ông Bush lần đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ “trục ma quỷ”, gồm các kẻ thù của Mỹ là Iraq, Iran và CHDCND Triều Tiên - đánh dấu 1 sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và Hàn Quốc đối với nước này theo chiều hướng cứng rắn hơn.

Dường như việc này, kết hợp với bóng ma chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn biến mất, đã khiến Bình Nhưỡng quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự sống còn của mình. Từ đó đến này, Triều Tiên luôn tuyên bố chương trình tên lửa và hạt nhân của mình không đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực mà là để “phòng vệ”.

Hi vọng về hòa bình

Ngày 5.1, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã ngỏ lời đồng ý với đề xuất do Seoul đưa ra về việc tiến hành hội đàm cấp cao giữa hai nước. Các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm là làm thế nào để cải thiện mối quan hệ bị đình trệ từ lâu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ trao đổi về kế hoạch cử đoàn vận động viên Triều Tiên tới tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang do Hàn Quốc đăng cai vào tháng tới.

Đường dây nóng liên Triều đã được nối lại - tín hiệu đầu tiên của quá trình làm ấm lên mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đã xuất hiện. Hòa bình sẽ quay trở lại bán đảo Triều Tiên? Đó là việc không ai dự đoán được. Tuy nhiên, nếu đối thoại thành công, một cái bắt tay giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in là điều hoàn toàn có thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem