Thu phí đọc báo - giảm bất công cho người làm báo

Quốc Phong Thứ hai, ngày 21/06/2021 17:05 PM (GMT+7)
"Đọc chùa" là cách nói vui nhưng lại rất thật của thực tế báo chí Việt. Người đọc báo mạng không phải bỏ tiền mua dù chỉ một đồng. Điều đó tạo nên sự phi lý trong xã hội, vì thế người làm báo nước nhà đang gánh chịu những thiệt thòi. Nhiều khi chỉ vì muốn "câu like" mà một số báo để mất bản sắc riêng.
Bình luận 0

Nhưng việc thu phí này vẫn còn khó trở thành hiện thực trong một đôi năm khi chưa được xã hội chia sẻ, các báo không ngồi với nhau để thống nhất trước khi quyết định.

Dù cho người đọc không báo mạng hàng ngày, hoặc có thể không nhận ra đọc báo như thế là "đọc chùa", thì khi nhắc đến vấn đề này, họ cũng đều phải thừa nhận rằng đọc báo mạng không phải trả tiền là chưa công bằng.

Thực tế, nhiều năm nay, trên thế giới đã đề cập nhưng chưa dễ áp dụng để trở thành một tất yếu: Đọc báo mạng cũng cần trả phí. Hiện đã có nhiều tờ báo trên thế giới thực hiện tương đối thành công.

Cho đến nay, tờ báo thành công nhất lại không phải là tờ báo đầu tiên khởi xướng việc trả phí. Năm 1996, tờ The Wall Street Journal của Mỹ đi đầu trong việc xây dựng tường phí cứng (hard paywall), buộc độc giả phải trả tiền đọc bài cho ấn bản trên website của tờ báo. Nay, The Wall Street Journal có khoảng 2 triệu thuê bao trả phí, The Times cũng có nửa triệu thuê bao.

Nhưng thành công lớn nhất lại là The New York Times với 7,5 triệu thuê bao, trong đó riêng 6,1 triệu thuê bao trả phí cho báo mạng. Doanh thu mà độc giả trả tiền đem lại trong năm 2020 là 1,195 tỷ USD, trong đó doanh thu từ thuê bao trả phí cho báo mạng là 598,3 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đó, The New York Times đặt mục tiêu đạt 10 triệu thuê bao vào năm 2025. Meredith Kopit Levien, giám đốc điều hành công ty đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu này bởi bà tin vào thị phần lên tới 1 tỷ người đọc báo mạng và dự kiến có 100 triệu người sẵn sàng trả tiền cho nội dung tiếng Anh.

Như vậy, hiện mới chỉ những tờ có uy tín, tầm ảnh hưởng xã hội lớn đang thực hiện cách làm này. Song đó vẫn chưa phải là xu thế tất yếu trong văn hoá đọc, nhất là với nước ta.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi cảm phục và trân quý các nhà báo, phóng viên dũng cảm. Họ lao vào các tâm dịch, các bệnh viện, các khu công nghiệp… đang bị giãn cách để viết bài cho sát thực tế hơn là ngồi nhà gõ bàn phím và làm "phóng viên salon". Nhưng thực tế, thử hỏi họ có được thêm một đồng thù lao nào không mỗi khi đến những điểm nóng như vậy?

Tôi nghĩ là không, vì trong ngành báo không có khoản bồi dưỡng nhà nước cho phép dành cho người làm báo khi phải đến những vùng được coi là có dịch, ô nhiễm, độc hại, thậm chí có thể có đổ máu ở vùng chiến sự ác liệt, trừ cái vinh hạnh mỗi khi ra Trường Sa công tác thì được chỉ huy Đảo cấp cho tờ giấy xác nhận. Nó mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là phụ cấp công tác ngoài biển đảo…

Thu phí đọc báo - giảm bất công cho người làm báo - Ảnh 1.

Tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện là đặc trưng của nghề báo trong thời đại 4.0.

Trong khi đó, vài năm gần đây, do ảnh hưởng của báo mạng phát triển, người đọc thì "đọc chùa", không mất phí, vì thế, báo giấy gặp không ít khó khăn do số lượng in sụt giảm đến độ khó trụ vững.

Báo in khi đã giảm số lượng phát hành cũng đồng nghĩa tiền công in báo cũng đội lên. Giả dụ ta in 100 hay 200 hay 300 nghìn bản thì khi đó giá thành in sẽ rất rẻ. Còn nếu chúng ta in số lượng chỉ 10-20-30 nghìn bản thì giá rất cao. Càng cao khi chỉ in 5 nghìn bản thì số lượng bản in thử trước khi bấm nút in thật cũng vẫn phải năm ba trăm tờ, không khác gì việc in 100 nghìn bản.

Khi đó, người ta phải chia giá công in thử lên tổng số bản phát hành chính thức là 5 nghìn tờ hay 100 nghìn tờ mới ra được giá thực tế của một tờ báo. Cùng với đó, khi số lượng phát hành giảm thì theo quy định của Nhà nước, việc chấm nhuận bút hiện hành cũng bị giảm.

Khi số lượng phát hành thấp thì biểu giá quảng cáo trên báo giấy cũng tự biết phận mình giảm theo. Nếu không giảm, khách hàng sẽ bỏ để thuê mạng xã hội quảng cáo thay vì quảng cáo trên báo giấy chính thống. Lương, phụ cấp của người làm báo vì thế cũng sụt giảm bởi số lượng phát hành giảm và giá giấy, công in tăng.

Những điều này đã khiến người làm báo càng thêm khó khăn, nhất là lúc nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội ở các cấp độ thì sẽ càng ít người mua một tờ báo ngoài sạp vì họ ngại ra phố, nhất là người cao tuổi - đối tượng mua báo giấy nhiều hơn cả.

Trong khi đó, báo điện tử của những toà soạn có xuất phát điểm từ tờ báo giấy thì người đọc lại đọc không mất phí. Vậy quả là bất công cho người làm báo.

Bước đầu mức phí mà các báo quyết định đưa ra nên cân nhắc kĩ để thăm dò cho bước sau để không  tự gây khó cho chính mình. Hơn nữa, cần tự đánh giá mức phí đó có thỏa đáng với tờ báo không,  không nên cào bằng, dù khi quyết định làm thì chúng ta cũng cần bắt tay, thống nhất với nhau trước. 

Đã đến lúc cần có những hành lang pháp lý hậu thuẫn để các báo khi quyết định thu phí đọc báo mạng sẽ gặp thuận lợi hơn. Đó thực chất cũng là tạo lập sự công bằng xã hội và trân trọng những người đưa thông tin trung thực, cần thiết đến bạn đọc mỗi ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem