Quản lý tốt về giá
Tại phiên họp, trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét việc giảm lãi suất cho vay trong năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Vấn đề lãi suất đã được Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bàn kỹ. Lạm phát năm vừa qua rất thấp, chưa đến 1%, chủ yếu do các yếu tố bên ngoài, nhất là giá dầu và các giá hàng hóa thế giới giảm… Lạm phát phù hợp với định hướng lâu dài là làm sao duy trì dưới 5%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị ngày 29.12. Ảnh: VGP
“Do đó, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất là rất khó. Nếu giảm có thể đạt trong ngắn hạn nhưng sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định lâu dài. 6 tháng cuối năm 2015, có rất nhiều áp lực tăng lãi suất như tín dụng ngân hàng tăng mạnh, tốc độ năm 2015 đạt xấp xỉ 18%, trong khi tốc độ huy động vốn chỉ hơn 13%. Như vậy, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn sẽ tăng nhiều. Trong khi đó, phải dành nguồn vốn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ. Với cơ cấu nguồn vốn như vậy, áp lực lên lãi suất là rất cao” - ông Bình giải bày.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Sẽ gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015. Nếu có thể, cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, khoảng 0,3 đến 0,5% nữa.
Cũng theo Thống đốc Bình, năm 2016 phải đặc biệt quan tâm, các bộ, ngành, địa phương là vấn đề lạm phát. Năm nay lạm phát rất thấp, nhưng không loại trừ lạm phát 2016 rất khó kiểm soát ở mức dưới 5%. “Đề nghị quản lý tốt các loại giá, nhất là giá hàng thiết yếu, ngoại trừ giá năng lượng” – Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Đột phá chiến lược
Về nhiệm vụ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thực hiện các nhóm nhiệm vụ lớn như tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực...
Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường để huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực bởi thực tế nước nào có thể chế tốt, thu hút đầu tư sẽ tốt; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, một mặt quản lý chặt chẽ, phát triển đầu tư hiệu quả nhưng phải tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với đột phá về xây dựng hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn nợ công, tạo cơ chế thu hút đầu tư của xã hội, cả trong nước và ngoài nước, đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng chỉ nhìn vào ngân sách là không đủ. Hạ tầng tốt là một tiêu chí về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến đột phá về nguồn nhân lực, trong đó đào tạo các loại hình, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm cân đối, huy động các nguồn lực, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả 2 chương trình này cũng như 16 chương trình mục tiêu khác” - Thủ tướng nêu.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.2015 diễn ra chiều 29.12. Chính phủ đã thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh... ; Đề án đẩy mạnh việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng...
|
Tăng tuyên truyền luật pháp cho ngư dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các cơ quan chức năng và các địa phương ven biển nâng cao việc giáo dục pháp luật cho ngư dân. Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong ASEAN đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt về vấn đề lãnh hải, ranh giới vùng biển giữa các nước. Thủ tướng lưu ý Bộ NNPTNT và các tỉnh miền biển về việc từ đầu năm đến nay vẫn có tình trạng ngư dân của ta bị bắt khi xâm phạm vùng biển của nước bạn.
Theo Thủ tướng, Bộ Ngoại giao đã quan tâm bảo vệ công dân, nhưng cũng phải tuyên truyền cho ngư dân của ta đừng xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Bởi các nước ASEAN cũng rất thiện chí, nhưng họ cũng phải bảo vệ chủ quyền và lãnh hải của họ như ta vậy.
K.M
Hà Nội, TP.HCM tự lên phương án hạn chế xe cá nhân
Tại hội nghị, trả lời kiến nghị của Chủ tịch Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định Chính phủ đã phân quyền cho địa phương để có thể tự thực hiện các biện pháp phù hợp: “Khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình HĐND do đặc thù từng nơi là khác nhau”. Bộ trưởng Thăng cho biết thêm, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, cơ quan này đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện bằng nhiều cách như theo từng tuyến đường, loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định. Ông cũng đề nghị: “Hà Nội và TP.HCM nên chủ động lập phương án về vấn đề này, Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện”.
Hải Phong
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.