Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn

Thứ sáu, ngày 25/11/2011 10:00 AM (GMT+7)
Dân Việt - Sau giờ nghỉ giải lao của phiên họp sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục là người đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bình luận 0

Theo kế hoạch, sáng nay 25.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác điều hành, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 2011-2012 và những năm tiếp theo; vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế…

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 25.11. Ảnh Chinhphu.vn

Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã nhận được chất vấn bằng văn bản của 7 vị đại biểu Quốc hội liên quan đến khá nhiều vấn đề cụ thể. Từ mục đích làm sân golf trong sân bay, chính sách cho vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long cho đến chế độ cho những người tham gia chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia…

Sau giờ nghỉ giải lao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo bổ sung làm rõ một số vấn đề trong điều hành chính sách kinh tế. Đầu tiên, Thủ tướng cám ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình và thông qua các Nghị quyết quan trọng do Chính phủ đề ra. Thủ tướng cho biết, cho đến thời điểm này, có 77 đại biểu gửi câu hỏi chất vấn với 237 câu hỏi dành cho các thành viên Chính phủ, trong đó có 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Chính phủ đánh giá cao khi đại biểu chất vấn những vấn đề thiết thực.

Cập nhật tình hình KT-XH, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10 và 11, tình hình kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%. Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15.11 đạt khoảng 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ công ở châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đẩy kinh tế khu vực này vào nguy cơ suy thoái, làm cho kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, giá dầu và giá lương thực có khả năng tăng mạnh. Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Thủ tướng cho rằng, tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012.

Thủ tướng cũng trình bày thêm về một số nhóm vấn đề: ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế...

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác, Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường; đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu như tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về một con số, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính.

Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế, rà soát các dự án bất động sản, có chính sách phù hợp, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sắp hoàn thành trong một số lĩnh vực cụ thể...

Về cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng giải trình, làm rõ thêm về ba nội dung là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo Thủ tướng, do tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cả ba nội dung tái cấu trúc trên phải được thực hiện đồng bộ với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn, hiệu quả đi đôi với việc tiến hành đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược. Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp tới của Quốc hội

Về nông nghiệp và nông thôn, trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 - 2015. Nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013), tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 - 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kéo dài trong 40 phút nên mỗi đại biểu chỉ hỏi một câu.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đặt câu hỏi: Cử tri quan tâm tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, tình hình biển Đông phức tạp. Những giải pháp của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quan điểm của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước khi nước ngoài xâm phạm chủ quyền?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) chất vấn: Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ về quyền kinh doanh vàng và sở hữu của người dân. Căn cứ Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật biểu tình? Chủ trương của Chính phủ có sớm nới lỏng tín dụng, miễn giảm thuế cho nông dân?

Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) chất vấn về tình hình ngăn chặn khai thác quặng trái phép, trong khi đại biểu Trần Văn Minh đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc Vinashin: Đề nghị Thủ tướng cho biết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, kết quả tái cơ cấu Vinashin?

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn: Chính phủ trình Quốc hội báo cáo 29 về phương án xây dựng nhà Quốc hội tại Ba Đình, nói là kịp phục vụ 1.000 năm Thăng Long, nhưng đến nay vẫn chưa xong, khung mới hoàn thành. Công trình này bị xếp vào những công trình chậm tiến độ. Chính phủ là chủ đầu tư, xin cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ?

Trước tình trạng lũ lụt và sóng thần xảy ra thường xuyên khiến ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đặt câu hỏi: Tại sao trước tình hình biến đổi khí hậu, Chính phủ lại ngừng đầu tư cho bà con trong việc chống lũ lụt?

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) hỏi: Chính phủ có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội? Chính phủ có chủ trương về vấn đề khai khoáng, xuất nhập khẩu khoáng sản có hiệu quả?

Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP.HCM) muốn Thủ tướng đưa ra một thông điệp, lời khuyên với doanh nghiệp nên đầu tư vào lĩnh vực gì?

Cũng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân vùng lũ, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ về xây dựng các công trình, cụm tuyến dân cư vượt lũ thời gian tới?

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) chất vấn: Chính phủ có giải pháp gì để ngư dân yên tâm bám biển, nhất là ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa khi nước ngoài liên tục thu hồi lưới, thu hồi thuyền của ngư dân Việt Nam?

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn: Thủ tướng muốn điều hành hiệu quả, cần có sự đồng bộ trong các cơ quan từ Trung ương tới địa phương. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều sự xung đột trong cách điều hành, quản lý của các cơ quan từ địa phương tới Trung ương mà dẫn chứng chính là vụ việc liên quan tới việc dừng dự án khu đô thị Nam An Khánh?

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) phản ánh: Quan điểm về tái cơ cấu nền kinh tế, trước tiên phải tái cơ cấu chính bộ máy quản lý Nhà nước vì đây là nguyên nhân chính gây nên sự trì trệ? Thủ tướng cho biết ý kiến?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem