Thủ tướng nói gì về lùi thời hạn thực thi ATIGA với ngành mía đường?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 31/10/2019 16:52 PM (GMT+7)
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trước khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực vào đầu 2020.
Bình luận 0

Không thể trì hoãn thêm thời hạn thực thi hiệp định ATIGA

Theo nội dung chất vấn của ĐBQH Thạch Phước Bình, từ khi triển khai chương trình 1 triệu tấn đường, đến năm 2018, tổng năng lực sản xuất của toàn ngành đạt 162.300 tấn mía/ngày. Qua đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 2.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 1,5 triệu nông dân và trên 35.000 lao động công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ĐBQH tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây, ngành mía đường phải gánh chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu….đặc biệt, sức ép của đường nhập lậu khiến ngành mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn.

“Việc này gây ra tình trạng đường tồn kho tăng cao, nhiều nhà máy mía đường chấp nhận thua lỗ và bán thấp hơn giá thành sản xuất để có tiền trả lương và thu mua mía cho nông dân.” ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho hay.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không thể trì hoãn thời hạn thực thi hiệp định ATIGA.

Cụ thể, theo báo cáo của các nhà máy, công ty, hiện nay, năng suất, sản lượng mía đang suy giảm nghiêm trọng. Trong niên vụ 2018 – 2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, trong đó, sản lượng đường đạt 1,3 triệu tấn. Con số này giảm so với niên vụ 2015 – 2016 và 2016 – 2017.

Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019 – 2020, trong bối cảnh diện tích vùng nguyên liệu mía chỉ còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía và đường sẽ tiếp tục giảm còn lần lượt 13 triệu và 1,25 triệu tấn.

Trước nguy cơ ngành mía đường phá sản hàng loạt, để tháo gỡ khó khăn, nhiều cử tri là các doanh nghiệp trong ngành mía đường đã kiến nghị Chính phủ triển khai một số giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị tiếp tục xem xét hoãn thời hạn thực thi cam kết ATIGA đối với ngành mía đường.

Trước kiến nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản trả lời ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Theo đó, từ năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường có thêm thời gian chuẩn bị.

"Như vậy, nếu tính từ năm 2005 khi các nước ASEAN bắt đầu thiết lập cộng đồng kinh tế thì ngành mía đường có tổng cộng 15 năm để chuẩn bị hội nhập.

Nếu tiếp tục hoãn thực thi cam kết đối với mặt hàng đường các nước có thể có những biện pháp trả đũa và yêu cầu đền bù, ảnh hưởng về mặt kinh tế và uy tín của Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020", Thủ tướng cho biết.   

Do đó, việc xem xét để tiếp tục hoãn thực thi cam kết trong ATIGA đối với ngành mía đường là khó khả thi. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường trong thương mại quốc tế không có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh không công bằng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại quốc tế làm công tác tham mưu. 

Qua đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng các nguyên tắc và biện pháp phòng về được ATIGA cho phép như quyền đánh thuế chống trợ cấp để đảm bảo cạnh tranh công bằng, quyền áp dụng trở lại các rào cản thuế và phi thuế để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu khi cần thiết.

Tăng chính sách hỗ trợ ngành đường

Về chính sách tạm nhập tái xuất, Thủ tướng đã chỉ đạo không cho phép tiếp tục nhập đường để tái xuất, kể cả các trường hợp đã có giấy phép của Bộ Công Thương.

Việc tái xuất đường chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2019 qua các cửa khẩu phụ, lối mở trước đây đã được Thủ tướng cho phép và chỉ những lô hàng đã nhập khẩu về Việt Nam theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc vào kho ngoại quan trước ngày 30/1/2018.

Đối với kiến nghị thu mua tạm trữ 300.000 - 500.000 tấn đường trong năm 2019, Thủ tướng cho biết mặt hàng này không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét để có biện pháp điều hành phù hợp.

img

Tình trạng buôn lậu đường diễn biến phức tạp trong những năm vừa qua.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường chống buôn lậu, tại các địa bàn trọng điểm như Tây Nam Bộ, Quảng Trị…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra các hộ kinh doanh ngăn chặn việc sang chiết bao trái phép, quay vòng hóa đơn…

Về chính sách phát triển ngành mía đường, Thủ tướng đã chỉ đạo công tác phát triển giống mía. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án nghiên cứu, phổ biến giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Hiện nay, có trên 75 giống mía được đưa vào sản xuất, cơ bản đáp ứng giống phù hợp các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Bộ NN&PTNT đã và đang hỗ trợ phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường gắn với kế hoạch xây dựng 15.000 hợp tác xã trên cả nước. Xây dựng và nhân rộng các mô hình triển khai áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía và áp dụng các hình thức tưới mía phù hợp, nhất là ở các tỉnh có sản lượng lớn như Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Khánh Hóa,...” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem