Có giếng là… có miếu
Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn tự hào về câu nói: “Đình không xà, trong làng 73 cái giếng”. Sở dĩ như vậy là bởi, từ thời xa xưa, ở đây có đình làng thờ thành hoàng rộng hơn 500m2, các cột đình dựng rất lớn, 2 người ôm không xuể. Tuy nhiên, điều đáng nói là gần 50 cột ấy đều không có mối đục nào của các xà đấu lại với nhau. Các cột dựng đứng, mái gác lên trên đỉnh cột. Tiếc rằng đến năm 1947, ngôi đình đã bị thực dân Pháp đốt phá, đến nay không còn một dấu vết.
Đình làng không còn, nhưng những giếng cổ vẫn còn đó như chứng tích lịch sử của làng Yên Sở. Bước chân đến đầu làng, chỉ cần hỏi về giếng cổ là người dân có thể chỉ rõ vị trí của từng giếng. Duy chỉ có một điều, không ai biết là giếng có tự bao giờ và tại sao làng lại có nhiều giếng như vậy.
Để tìm hiểu về rõ về công trình độc đáo này, chúng tôi được người dân giới thiệu đến gặp cụ Nguyễn Bá Hân, 83 tuổi, ở thôn 3, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội - một người am hiểu chữ Hán và lịch sử các di tích của làng. Cụ cho biết: “Trước đây tên cũ của làng là Cổ Sở. Đến thời vua Hồng Đức thì chia ra hai làng Đắc Sở và Yên Sở. Tương truyền 73 giếng cổ được xây từ thời ngoại xâm phương Bắc đến đóng chiếm nên ít nhất, giếng ở đây cũng có 1.000 năm tuổi”.
Còn về mục đích ra đời của 73 cái giếng, có rất nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng giếng cổ được xây dựng để quân xâm lược phương Bắc lấy nước sạch ăn. Có giả thuyết lại cho rằng giếng được đào để người Trung Quốc giấu vàng. Lại có giả thuyết, giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để cắt đứt long mạch.
Cụ Hân với nhiều năm nghiên cứu đã đồng tình với giả thuyết, giếng cổ
được xây dựng để trấn yểm long mạch. Cụ lập luận: “Người xưa có câu “thứ
nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở”. Cổ Sở là một trong ba mảnh
đất thiêng của Việt Nam, là nơi sản sinh ra anh hùng hào kiệt, là nơi
người dân ba lần đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc. Do vậy, bọn
xâm lược mới phải tìm mọi cách cắt đứt long mạch bằng việc cho đào giếng
sâu. Dựa vào mật độ các giếng, cùng với giai thoại về đường cái Cao
Biền thì chắc chắn những cái giếng đó được xây lên để trấn yểm long
mạch”.
73 cái giếng nằm rải rác ở làng Yên Sở có cấu trúc rất đặc
biệt. Giếng sâu từ 4- 5m, đường kính khoảng 1,6m và tất cả đều giống
nhau. Điều kì lạ là giếng được xếp hoàn toàn bằng những phiến đá to,
không có chất kết dính nhưng rất vững chãi. Người dân có thể vịn chân,
tay vào vách đá để leo xuống đáy giếng và leo lên một cách dễ dàng. Dưới
đáy giếng được đệm một tấm gỗ lim dày khoảng 15cm. Nước giếng trong và
sạch quanh năm.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử trong 73 giếng cổ cũng đã
có những giếng bị lấp đi. Theo thống kê của xã Yên Sở, hiện còn hơn 30
cái giếng phân bổ ở làng Yên Sở và làng Đắc Sở. Tại làng Yên Sở, giếng
tập trung chủ yếu ở thôn 2, thôn 3 và thôn 5. Hiện tại, các giếng được
xây dựng bê tông, bờ rào chắc chắn để tránh sụt lún và nguy hiểm cho trẻ
nhỏ.
Không biết giếng được “sinh ra” với mục đích gì, nhưng suốt
bao đời, người dân nơi đây vẫn lấy nước giếng để ăn và sinh hoạt. Không
những vậy, vào những ngày rằm, mồng một, họ còn đem hoa quả, lễ vật ra
ngôi miếu cạnh giếng để xin lộc. Cụ Hân lý giải: “Giếng nào cũng có thần
linh, thổ địa nên việc hương nhang, thờ cúng là điều nên làm”. Nhưng
khi được hỏi những miếu này được lập nên từ bao giờ thì người dân nơi
đây không ai biết. Họ chỉ biết, lúc sinh ra nhìn thấy giếng là đã nhìn
thấy miếu.
Ly kì chuyện “lấp giếng là có người ốm”
Xung quanh những cái giếng cổ còn lại ở làng Yên Sở, ẩn hiện rất nhiều câu chuyện ly kì, khó lý giải. Do muốn mở rộng đất thổ cư và tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên nhiều xóm đã tự ý lấp giếng. Nhưng rồi lấp được chẳng bao lâu họ lại phải đào lên, bởi “thần giếng” hiển linh không cho phép.
Câu chuyện “thần giếng” hiển linh vẫn còn nguyên trong tâm trí của người dân thôn 5, xã Yên Sở. Cô Trần Thị Hồng, SN 1964, ở thôn 5, xã Yên Sở kể lại: “Cái giếng này có ở đây từ rất lâu rồi. Vào những ngày rằm, ngày lễ bà con trong xóm vẫn lễ lạt, hương nhang. Nhưng tự nhiên nước giếng trở nên đen ngòm, rồi bốc mùi, khi mọi người kiểm tra thì biết cống thải của các nhà đều chảy ra đây. Thấy vậy mọi người bảo nhau lấp giếng vào năm 2011”.
Cụ Nguyễn Bá Hân say sưa kể về những ngôi giếng cổ. Ảnh: Thùy Dung
Cô Hồng kể tiếp: “Từ ngày lấp giếng, xóm trở nên lục đục. Bắt đầu là từ nhà ông Thanh đang mạnh khỏe bỗng nhiên thấy khó thở, đi “xem” thì thầy bói bảo rằng xóm bị động mạch. Ông Thanh có nhờ mọi người đào lại giếng lên để thờ cúng, nhưng vì lúc đó ai cũng nghĩ ông đã già, bệnh tật là chuyện bình thường nên không nghe theo. Sau đó không lâu, trong xóm lại có bác Nguyễn Đình Phượng, SN 1963, bỗng nhiên bị tràn dịch màng phổi. Rồi nhà nọ bệnh tật, nhà kia làm ăn thất bát. Cuối cùng mọi người phải bảo nhau đào lại giếng, tu sửa miếu cẩn thận. Mọi việc vừa hoàn tất vào năm 2012”.
Câu chuyện “lấp rồi đào” giếng ở thôn 2, xã Yên Sở cũng không kém phần ly kì. Ông Hòa- người dân trong xóm kể lại: “Trong xóm có nhà cô Quế, do điện tích đất thổ cư nhỏ nên đã làm đơn xin xóm ngõ cho mình hợp thức hóa phần đất giếng cổ. Được mọi người trong xóm đồng ý, chính quyền phê duyệt, vợ chồng cô Quế bảo nhau lấp mảng bê tông lên miệng giếng, rồi phần đất còn lại thì dùng để mở rộng đất ở.
Nhưng chẳng bao lâu sau, xóm bắt đầu xảy ra nhiều chuyện. Đúng mùng một Tết, trong xóm có người chết trẻ vì tai nạn giao thông. Thời gian sau nữa lại có thêm người chết cũng vì tai nạn. Gần đây, chúng tôi đang xin lại nhà cô Quế một phần đất có giếng để thờ cúng, chăm nom nhưng chưa được đồng ý”.
Ông Nguyễn Hữu Bình, SN 1952- trưởng thôn 2, xã Yên Sở cho biết: “Đúng là trong xóm có xảy ra những chuyện đó trong thời gian miệng giếng bị che lấp. Nhưng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Không biết việc thần giếng hiển linh là thực hay hư nhưng mọi người đều đồng ý rằng, khi giếng được đào lên, trả lại vị trí ban đầu thì mọi sự đều ổn. Đến giờ, người dân trong làng cũng không còn ai dám nghĩ đến chuyện lấp giếng. Dù không còn nguyên vẹn 73 giếng, nhưng những giếng cổ còn lại vẫn được người dân Yên Sở chăm nom cẩn thận.
Ông Nguyễn Bá Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt mà còn là di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của xã Yên Sở. Chính quyền xã vẫn luôn động viên bà con giữ gìn và bảo tồn giếng cổ như một nét văn hóa chứ không nên quá tin vào yếu tố tâm linh.
(Theo PLXH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.