Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Khả năng không hoàn thành mục tiêu

Chủ nhật, ngày 19/08/2012 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Kết quả thực hiện Đề án 1956 trong 6 tháng đầu năm 2012 rất thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Khả năng không đạt kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012 đang hiện hữu” - đó là nhận định của Ban chỉ đạo Đề án 1956 .
Bình luận 0

Thông tin từ Tổng cục Dạy nghề: Mục tiêu đào tạo nghề, tạo việc làm theo Đề án 1956 là dạy nghề cho gần 500.000 lao động nông thôn (LĐNT) và tăng cường kiến thức cho hơn 100.000 cán bộ xã đang có nguy cơ không hoàn thành.

img
Nghề thêu ren ở Hải Hậu (Nam Định) đang khó đầu ra.

Nhiều phần việc còn dang dở

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Tổng cục Dạy nghề đã hoàn thành xây dựng 55 chương trình dạy nghề, 40 danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp. Bộ NNPTNT đã ban hành thêm 30 chương trình dạy nghề nông nghiệp (NN), nâng tổng số chương trình dạy nghề NN trình độ sơ cấp lên 71. Tại 51 tỉnh, thành đã lựa chọn, phê duyệt danh mục gồm 1.257 nghề đào tạo cho LĐNT. Tổng số chương trình dạy nghề được các địa phương phê duyệt cũng lên tới 1.082. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 175 chương trình nghề mới chưa được xem xét, phê duyệt.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm cả nước mới chỉ tổ chức dạy nghề cho hơn 1.300 LĐNT, đạt 27,1% kế hoạch năm. Ngoài việc không hoàn thành kế hoạch dạy nghề 6 tháng đầu năm, việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề chưa được đảm bảo. Hiện, Tổng cục Dạy nghề cùng với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức bồi dưỡng cho 4.620 giáo viên dạy nghề cho LĐNT trong cả nước. Tuy nhiên, sau 7 tháng triển khai, việc bồi dưỡng cho cán bộ và giáo viên thực hiện đề án mới chỉ đạt 47% tổng kế hoạch của cả năm.

Không những thế, việc cấp thẻ học nghề thí điểm cho học viên tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre cũng chậm so với tiến độ. Tại 2 tỉnh này mới có 6.604 thẻ học nghề NN được cấp cho LĐNT. Thực tế, kể cả khi có thẻ học nghề, học viên sau học vẫn khó tìm kiếm việc làm.

Còn nhiều rào cản

Ông Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận: “Kết quả thực hiện dạy nghề trong 6 tháng đầu năm 2012 rất thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Khả năng không đạt kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2012 đang hiện hữu”.

Nguyên nhân mà Ban chỉ đạo đưa ra là do việc huy động các nguồn lực để thực hiện đề án rất thấp. Trong 3 năm (2010-2012), ngân sách mới bố trí được 3.860,2 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch ngân sách trong 11 năm (2010-2020) thực hiện đề án. Mặt khác, hoạt động truyền thông còn nhiều hạn chế. Việc truyền thông chưa sát với thực tế, chưa làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về học nghề. Hoạt động dạy nghề chưa phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Việc tư vấn, học nghề chưa phù hợp với đối tượng lao động và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức dạy nghề cho 132.148 LĐNT (đạt 27,1% kế hoạch năm). Trong đó, 92.322 người đã học xong. 72,7% số người học xong (67.052 người) có việc làm. Trong số này 47.875 người tự tạo việc làm, 11.680 người do doanh nghiệp tuyển dụng, 584 người thành lập tổ hợp tác...

Ngoài những nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH): “Rào cản khiến công tác dạy nghề, tạo việc làm khó khăn đó là tiếp cận nguồn vốn. 6 tháng đầu năm 2012, chỉ có hơn 2.000 hộ được vay vốn với tổng số tiền 18,6 tỷ đồng để tạo việc làm. Dư nợ cho vay học nghề, tạo việc làm vẫn ở mức thấp, hơn 7.000 tỷ đồng...”.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện 6 tháng đầu năm 2012 thực hiện Đề án 1956 do Tổng cục Dạy nghề vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Ngọc Phi chỉ đạo: “Từ nay đến cuối năm, các địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực. Không tổ chức dạy và học nghề khi chính quyền và người lao động không dự báo được việc làm, nơi làm và mức thu nhập sau khi học nghề...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem