Nợ 735ha rừng
Để triển khai các dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới, đã có 910ha rừng bị chặt phá. Theo quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chủ đầu tư các dự án thủy điện này phải đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, đã nhiều năm kể từ khi dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư các thủy điện trên vẫn chưa thực hiện trồng rừng theo đúng quy định.
Để xây dựng Thủy điện Hương Điền đã có 320ha rừng bị phá, nhưng chủ đầu tư dự án
mới chỉ trồng 35ha rừng thay thế. Ảnh: An Sơn
Đến thời điểm hiện tại, 3 dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới đang nợ đến 735ha rừng phải trồng thay thế.
|
Công trình Thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương được khởi công đầu năm 2005 và đi vào vận hành tháng 5.2009. Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế, căn cứ Nghị định 23, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền phải thực hiện trồng 450ha rừng thay thế. Vậy nhưng đến nay, sau gần 7 năm kể từ khi công trình đi vào phát điện, Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền mới chỉ trồng… 70ha rừng thay thế.
Tương tự, sau gần 6 năm đi vào vận hành, Dự án Thủy điện Hương Điền của Công ty cổ phần Đầu tư HD nằm ở thượng nguồn sông Bồ vẫn chưa trồng rừng thay thế theo đúng nghị định của Chính phủ. Cụ thể, đến nay chủ đầu tư dự án mới chỉ trồng 35ha trong tổng số 320ha rừng thay thế phải trồng. Dự án Thủy điện A Lưới của Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung ở thượng nguồn sông A Sáp đã đi vào vận hành hơn 4 năm nhưng mới trồng 70/140ha rừng thay thế. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, 3 dự án thủy điện trên đang nợ đến 735ha rừng phải trồng thay thế.
Cam kết rồi phớt lờ
Ông Phạm Ngọc Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Theo Nghị định 23, một dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp phải đảm bảo nhiều yêu cầu, trong đó có việc phải cam kết trồng lại rừng thay thế. Để được phê duyệt dự án, chủ đầu tư các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới đều cam kết trồng lại rừng thay thế, nhưng sau đó lại không thực hiện cam kết.
Theo ông Dũng, Nghị định 23 cũng quy định cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế. Ở đây, sau khi chủ đầu tư các dự án thủy điện trên cam kết, tỉnh đã tiến hành đôn đốc, giám sát nhưng những doanh nghiệp này than khó và chỉ trồng được phần ít rừng theo quy định.
Trước việc phớt lờ trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư dự án nghiêm túc thực hiện quy định. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức 73 triệu đồng/ha để chủ đầu tư các dự án thủy điện nếu không có khả năng thực hiện trồng rừng có thể nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để quỹ này trồng rừng trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Dũng, vừa qua, khi Sở NNPTNT mời chủ đầu tư các dự án thủy điện trên về họp và yêu cầu nộp tiền trồng rừng, đại diện những doanh nghiệp này tiếp tục than khó chuyện tiền. “Lần này nếu họ tiếp tục chây ì không nộp tiền, tỉnh sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các dự án thủy điện”- ông Dũng khẳng định. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.