Tiếp nối truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ

Khuynh Diệp Thứ năm, ngày 15/10/2020 17:24 PM (GMT+7)
Tiếp nối truyền thống từ "Nông hội đỏ" – "Hội Nông dân cứu quốc", trong kháng chiến chống Mỹ, Hội Nông dân giải phóng miền Nam xứng đáng là "Đội quân chủ lực của Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân".
Bình luận 0

 Truyền thống vẻ vang ấy là bệ đỡ để Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và làm nòng cốt trong các phong trào nông dân.

Chỗ dựa tin cậy của Đảng

Sinh thời, ông Nguyễn Thành Thơ - nguyên Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ (Khu 9), nguyên Phó Bí thư thường trực Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Phó Chủ tịch Hội NDVN, nhớ lại: "Tháng 5/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam Bộ ra mắt cũng là thời điểm Hội ND giải phóng của Khu 9 ra đời... Dựa vào chính sách nông thôn của cách mạng miền Nam và chương trình hành động của Mặt trận, Hội ND giải phóng miền Tây Nam Bộ ban hành Dự thảo một số chủ trương về ruộng đất ở miền Tây, thông qua Ủy ban Mặt trận để triển khai thực hiện nhằm cải thiện đời sống nông dân, tăng cường khối đoàn kết nông thôn, gắn bó chặt chẽ nông dân với Đảng, với Mặt trận, với cách mạng".

Từ quan điểm chủ đạo này, Hội ND giải phóng Khu 9 trở thành điểm tựa của nông dân trong việc chăm lo quyền lợi của nông dân ở các vùng giải phóng. Ông Nguyễn Văn Nha - cán bộ Hội ND giải phóng xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) kể: "Cuối 1961, Hội ND giải phóng xã thành lập, được Chi bộ xã giao nhiệm vụ cho Hội ND xem xét lại đất đai, tịch thu đất của bọn địa chủ và tay sai trốn chạy cấp cho nông dân nghèo, thực hiện giảm thuế nông nghiệp, vận động nông dân đóng thuế đảm phụ nuôi quân; hướng dẫn nông dân chăm lo sản xuất, tổ chức nông dân vào các tổ vạn vần đổi công tương trợ nhau sản xuất, đưa con em tham gia các lực lượng vũ trang".

Bệ đỡ cho công  tác xây dựng Hội - Ảnh 1.

Nông dân vùng giải phóng ở Long An tích cực ủng hộ "thuế đảm phụ" ủng hộ kháng chiến. Ảnh: T.L - T.G

Không chỉ bảo vệ căn cứ của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Hội ND xã Châu Bình còn làm nòng cốt đào "Kinh giải phóng" dài 4,5km, rộng 3m, sâu 1m vừa làm bờ tuyến chống xe tăng giặc vừa làm đường giao thông vận chuyển lương thực, vũ khí cho lực lượng vũ trang. Sau hai tháng thi công, "Kinh giải phóng" hoàn thành, và kinh tồn tại đến ngày nay.

Nhờ Chi bộ Đảng ở xã Châu Bình có số lượng đảng viên đông, lại dựa vào nông dân, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội nên Hội đã tập hợp nông dân vào Hội đông. Tổ chức Hội được củng cố từ chi hội đến Ban Chấp hành xã. Vào thập niên 1960, xã Châu Bình là địa bàn đứng chân của các cơ quan và lực lượng vũ trang huyện Giồng Trôm.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Long An thuộc Khu ủy Trung Nam Bộ (Khu 8), năm 1962 Hội Nông dân giải phóng huyện Bến Lức (Long An) thành lập. Ông Châu Văn Cao được giao nhiệm vụ Chánh Thư ký Nông hội huyện. Năm 1964, tại Đại hội Hội ND giải phóng tỉnh Long An, ông Cao được bầu Phó Chánh thư ký thường trực Hội ND giải phóng tỉnh cho tới năm 1974.

Ông Châu nhớ rất kỹ một số nội dung mà huyện ủy đã chỉ đạo Hội ND giải phóng huyện Bến Lức: Vận động nông dân đóng góp người, vật chất cho cách mạng. Hội viên nông dân nào có con lên tuổi thanh niên thì đưa con em tòng quân, vận động nông dân đóng "Lúa đảm phụ kháng chiến". Năm 1962, địch gom nông dân vào ấp chiến lược, Hội ND giải phóng huyện Bến Lức chọn xã Thạnh Lợi làm điểm, hướng dẫn hội viên nông dân bám đất giữ làng, chống giặc gom dân vào ấp chiến lược. Hội ND giải phóng đã hướng dẫn nông dân đấu tranh với Nhà máy đường Hiệp Hòa tăng giá thu mua mía. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, Hội Nông dân giải phóng xã Thạnh Lợi và các xã khác trong huyện tổ chức chống giặc bắt nông dân đi đắp ụ pháo, xây đồn bót...

Những nơi nông dân bị gom váo ấp chiến lước, Hội vận động nông dân bung về ruộng vườn cũ làm ăn. "Nông hội huyện Bến Lức còn xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt chính trị dũng cảm đứng ra chống lại việc chính quyền bắt nông dân đưa lên thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) xây dựng khu trù mật" - ông Châu Văn Cao kể.

Giặc phát hiện Hội ND giải phóng là chỗ dựa của Đảng nên tìm mọi cách tiêu diệt. Năm 1962, tại Bến Lức Ban Chấp hành Hội ND giải phóng tỉnh Long An tổ chức hội nghị mở rộng, ngoài đại biểu Hội ND giải phóng các huyện, hội nghị còn mời cơ quan Thanh vận, Phụ vận của tỉnh dự. Hội nghị vừa kết thúc thì gặp giặc càn. Trong trận càn này, ông Tám Thế - Chủ tịch Hội ND giải phóng tỉnh Long An, ông Bảy Sang - Trưởng Thanh vận đã hy sinh; chị Ba Le phụ trách tôn giáo bị thương, chị Tám Anh, cán bộ của Hội bị bắt (sau giải phóng làm Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An).

Trả nghĩa với nông dân

img

Tuy công tác ở Hội ND chưa đầy 3 năm, nhưng những việc làm của ông Chín Cần (ảnh) đối với nông dân và Hội ND (chưa kể những việc ông làm trong 3 thời kỳ Bí thư Tỉnh ủy Long An), ngoài hoàn thành nhiệm vụ của người lãnh đạo, còn thể hiện hết mình làm việc để "Trả nghĩa với nông dân".

Từ 1960 đến thập niên 1980, ông Nguyễn Văn Chín - tức Chín Cần (đã qua đời) trải qua 3 thời kỳ với 3 chức danh trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Long An, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương, Chủ tịch Ban Chấp hành Hội NDVN.

Sinh thời ông Chín Cần thổ lộ: "Nông dân đã cưu mang mình trong các thời kỳ kháng chiến, thời kỳ cách mạng, nay có hòa bình không có lý do gì lại không chăm lo cho đời sống nông dân!". Năm 1992, khi mới về nhận công tác tại Trung ương Hội NDVN, với cương vị người đứng đầu, ông nghĩ ngay việc phải đổi mới công tác xây dựng Hội. Từ ý tưởng "đổi mới" của ông, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN ban hành Chỉ thị số 449/HND về "Xây dựng chi, tổ hội theo nghề nghiệp".

Theo ông, ở địa bàn nông thôn, nông dân sống bằng nhiều nghành nghề: Chăn nuôi gia súc gia cầm; tiểu thủ công; bộ phận ít đất hoặc không có đất canh tác thì sắm máy cày, máy bơm đi làm mướn... Nếu thu hút bà con sinh hoạt chung tổ hội, chi hội thì làm sao họ cùng bàn bạc kế hoạch sản xuất, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật... Vậy nên, cần thiết phải xây dựng tổ hội, chi hội nghề nghiệp để tập hợp đông đảo nông dân vào Hội.

Năm 1984, với tinh thần "đổi mới" tập hợp nông dân vào Hội, ông Chín Cần nghĩ cách tìm thêm kênh vốn cho nông dân, do Hội ND làm chủ. Ông bảo: "Nếu chỉ trông đồng vốn của ngân hàng thì người sản xuất làm sao đủ vốn đầu tư. Đợi làm xong thủ tục vay được đồng vốn để mua phân, thuốc bảo vệ thực vật... lúa ngoài đồng đã trổ!".

Từ suy nghĩ này, tại một cuộc hội thảo (tháng 8/1994) do Trung ương Hội NDVN phối hợp Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ), Trường Đại học kinh tế TP.HCM đồng tổ chức tại TP.Cần Thơ, ngoài chủ đề chính "Phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã cho nông dân vùng ĐBSCL", ông Chín Cần còn tranh thủ diễn đàn để thông tin về "Quỹ Hỗ trợ nông dân". Ông phân công tôi chắp bút Đề dẫn "Xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội NDVN" để ông trình bày trước lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Chưa đầy nửa năm sau, Chính phủ đồng ý cho Hội NDVN xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đồng thời cấp 40 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ vốn ban đầu cho quỹ hoạt động. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem