Bất ngờ trước tâm sự của người hiến máu nhiều nhất Việt Nam

Thùy Anh Thứ ba, ngày 30/08/2022 13:26 PM (GMT+7)
Đó là những tâm nguyện của anh Ngô Văn Dư - người đàn ông có số lần hiến máu nhiều nhất Việt Nam tính tới tháng 8/2022. Trong 26 năm, anh Dư đã hiến máu tới 102 lần. Anh là một trong hơn 500 đại biểu tham gia Đại hội Hội chữ thập đỏ lần thứ XI vào sáng nay, 30/8.
Bình luận 0

Từng sợ hiến máu vì nhìn thấy máu là sợ 

Năm 2022, anh Ngô Văn Dư (hiện đang là bảo vệ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn) đã vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc với 102 lần hiến máu trong suốt 26 năm. Anh Dư cũng là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong danh sách được tôn vinh vừa qua.

Anh Dư tâm sự, năm 1995, khi anh chăm sóc một người bạn tại bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh) chứng kiến cảnh nhiều người phải sinh ly tử biệt vì thiếu máu anh đã rất đau xót. Lúc đó anh đã nhen nhóm ý định đi hiến máu nhưng lại chưa hiểu gì về việc hiến máu vì thế lo ngại về vấn đề sức khỏe.

hiến máu cứu người

Anh Ngô Văn Dư tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: NVCC

Thế nhưng kể cả khi về nhà, hình ảnh "người chờ máu" vẫn không thôi ám ảnh anh. Lương tâm anh cắn rứt và luôn tự đặt câu hỏi "sẽ ra sao nếu người nhà bệnh nhân đó không tìm được người hiến máu? Nếu không có máu để bác sĩ kịp thời cấp cứu thì tính mạng người đó thế nào?…". Những câu hỏi đó cứ ám ảnh anh Dư một thời gian dài.

Năm 1996, anh Dư tham gia công tác Chi Đoàn dân quân tự vệ tại địa phương, nhờ đó anh biết tới phong trào hiến máu nhân đạo. Anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia liên tục cho tới nay.

Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên hiến máu, anh Dư vẫn còn bồi hồi khó tả: "Khi đó, trong tôi xuất hiện 2 luồng cảm xúc. Thứ nhất là hồi hộp. Vì tôi rất sợ máu và kim tiêm. Khi thấy bịch đựng máu, tôi bị chóng mặt và muốn bỏ về ngay lập tức. Nhưng khi nghĩ lại trường hợp năm 1995, tôi tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình".

Sau khi hoàn thành công tác hiến máu, anh Dư cảm rất vui mừng và hạnh phúc vì đã vượt qua chính nỗi sợ và tôi đã làm được một việc có ích.

Anh Dư cho biết: "Thời điểm năm 1996, việc vận động người dân tham gia hiến máu gặp rất nhiều khó khăn. Do tôi vận động chủ yếu là các đoàn viên, dân quân tự vệ, đa phần là các bạn thanh niên. Vì vậy nhiều khi mấy bạn có những tâm lý sợ bệnh viện, sợ xét nghiệm,… Nên tôi cực kỳ vất vả và khó khăn để đi vận động".

Tính đến tháng 8/2022, anh Dư đã tham gia hiến máu 102 lần. "Sau mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường. Cộng với việc ăn uống điều độ và rèn luyện thể dục thể thao, bản thân vẫn duy trì được thể lực và ít bị bệnh tật", anh Dư cho biết.

Giúp gia đình, cộng đồng hiểu hơn về việc "hiến máu cứu người"

Sau khi biết những việc làm của anh thì con gái 13 tuổi (đang sống cùng mẹ ở nước ngoài) rất ủng hộ và tự hào về người cha của mình.

"Con gái tôi sau khi biết tôi làm những việc có ích giúp xã hội rất vui, bé còn đăng hình cả 2 cha con trên mạng xã hội. Điều mà nó chưa từng làm trong 9 năm trời sống xa cách", anh Dư tâm sự.

hiến máu cứu người

Anh Ngô Văn Dư được công ty tôn vinh vì có hoạt động hiến máu tiêu biểu. Ảnh: NVCC

Để có được thành quả này, anh Dư cũng trải qua biết bao lần sóng gió vì bị gia đình phản đối. "Ba mẹ tôi cứ nhắc tới hiến máu là rất sợ. Mọi người cứ nghĩ máu lấy đi sẽ mất hoàn toàn và không phục hồi lại được nên cản trở tôi đi hiến máu. Phải rất kiên định thì rất lâu sau đó gia đình mới hiểu và ủng hộ tôi".

Nói về việc được Thủ tướng gặp mặt tặng Bằng khen trong Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" (11/2020), người đàn ông 47 tuổi cho biết: "Đây là niềm vinh dự đối với tôi, khi được trực tiếp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hà Nội. Đây cũng chính là động lực để bản thân tôi cố gắng phấn đầu để làm những việc có ích cho cộng đồng nhiều hơn nữa".

Anh Dư mong muốn cộng đồng đẩy mạnh hoạt động hiến máu cứu người. Anh Dưa chia sẻ thêm: " Tôi sẽ hiến máu đến lúc trút hơi thở cuối cùng và sau này tôi mất tôi nguyện sẽ hiến xác cho y học nghiên cứu".

Đại hội XI Hội chữ thập đỏ Việt Nam:

Tạo đột phá trong xây dựng chương trình nhân ái, hỗ trợ ngư dân nghèo

Sáng nay (30/8), Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Đại hội XI. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên tình nguyện viên thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước.

Với chủ đề "Xây dựng Hội chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh của Đảng và Nhà Nước".

Đại hội nhằm tổng kết hoạt động giai đoạn trước và là tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Hội chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Báo cáo của Hội cho thấy giai đoạn 2017 -2022, Hội đã huy động được 23,128 tỷ đồng (gấp 2,36 lần tổng giá trị hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX). Tỷ suất hoạt động trung bình đạt 10,3 lần, trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khóa khăn, người bị tổn thương được hỗ trợ. Các hoạt động có sự lan tỏa rộng khắp, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Đảng, Nhà nước. Vai trò của tổ chức Hội được Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đánh giá cao.

Đại Hội XI đã thông qua 8 chỉ tiêu cơ bản: 100% tỉnh thành Hội triển khai phòng trao Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 "địa chỉ nhân đạo"; hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật , hỗ trợ cho 1.300 ngư dân trên hơn 90.000 tàu thuyền có "Mái ấm nhân đạo" và chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"; Xây dựng mỗi tỉnh hội có 1 đội tình nguyện sơ cấp cứu, ứng phó với thảm họa; 50% tỉnh hội thành lập được quỹ hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định; 100% cán bộ hội các cấp được tập huấn nghiệp vụ phong trào Chữ thập đỏ...

Đại hội xác định 4 định hướng lớn đó là: Vận động mở rộng mạng lưới tình nguyện viên, hình thành mạng lưới nhân đạo; hình thành phong trào lớn "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; ba là thực hiện 2 chương trình trọng điểm là "chương trình an toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"; thực hiện đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng", thực hiện Đề án "Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào cộng đồng".

Trước đó, từ ngày 27-28/8 nhiều hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Đại hội cũng tổ chức Triển lãm "Hệ sinh thái nhân đạo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem