Hàng loạt con tàu 67 nằm bờ, khiến ngư dân Bình Định điêu đứng.
Trung tâm đăng kiểm tàu cá đang... kiểm điểm
Xung quanh sự việc này, ngày 14.6, PV Báo Dân Việt đã liên hệ để phỏng vấn ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, ông Đức chỉ trao đổi ngắn gọn: "Hiện Bộ NNPTNT và Tổng cục Thủy sản đang xem xét trách nhiệm các bên liên quan, trong đó của Trung tâm đăng kiểm. Sau khi có kết luận sẽ thông báo sau".
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên Báo Người Lao động về sự việc này, ông Vũ Thái Hệ- Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm phân trần: Trong hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp đóng tàu và chủ tàu không thể hiện chủng loại thép, mà nội dung này chỉ ghi trong khái toán. Mà khái toán thì chỉ chủ tàu và DN đóng tàu biết.
Còn "việc thay đổi về thép, chỉ cán bộ đăng kiểm trực tiếp giám sát tại hiện trường biết. Và ở thời điểm ấy, tôi chưa nhận được báo cáo của anh em" - ông Hệ nói.
Về vụ việc này, ông Nguyễn Quang Hòa - đăng kiểm viên hạng II, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm số 3 được giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phân công giám sát 20 tàu cá vỏ thép của tỉnh Bình Định đóng tại Công ty Nam Triệu - đã có giải trình.
Theo đó, tổ này thực hiện các bước kỹ thuật đăng kiểm đóng mới tàu vỏ thép theo đúng Quyết định 96/2007 của Bộ NN-PTNT, như đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật máy chính trước khi lắp đặt trên tàu. Các đăng kiểm viên được cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ gốc. Qua đối chiếu các giấy tờ trên và kiểm tra thực tế, trên thân máy chính có Mac (Etyket) và số chìm, đối chiếu với các giấy tờ trên phù hợp thì cho lắp xuống tàu.
Đến ngày 28.4, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định có công văn gửi Trung tâm Đăng kiểm tàu cá mời họp để giải quyết một số tàu bị hỏng máy chính và máy phát điện. Qua phản ánh của các chủ tàu, họ nghi ngờ 11 tàu cá lắp máy Mitsubishi không phải máy chính hãng; 8 tàu lắp máy Doosan của Hàn Quốc thì có 1 tàu bị gãy trục và hỏng máy phát điện Doosan.
Theo ông Vũ Thái Hệ, việc phân định trách nhiệm đúng, sai của các bên sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Bình Định sau khi có kết quả báo cáo của Tổ thẩm định. Ông Hệ cho biết cơ quan đăng kiểm là đơn vị tiến hành đăng kiểm về an toàn của con tàu tại thời điểm kiểm tra. Nếu đạt yêu cầu thì mới được đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Hệ thừa nhận: "Khi con tàu mới đưa vào hoạt động mà đã hỏng thì tàu chắc chắn có vấn đề gì đó xảy ra. Dù gì thì sự cố hỏng tàu xảy ra ở Bình Định là đáng tiếc".
Quá trình kiểm tra cho thấy, ít nhất 8 chiếc máy đã bị đánh tráo, thay máy dỏm, nhưng cơ quan đăng kiểm tàu cá lại không phát hiện trước đó?
Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm đến đâu trong vụ tàu cá 67?
Để triển khai thực hiện Nghị định 67, Bộ NNPTNT đã ban hành 3 Thông tư hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị định này, trong đó Tổng cục Thủy sản được giao trách nhiệm và quyền hạn cực lớn đối với quá trình đóng mới các con tàu vỏ thép này.
Trong đó, tại Thông tư số 25 ngày 15 tháng 8 năm 2014 quy định yêu cầu kỹ thuật về mẫu thiết kế tàu cá tại khoản 2, điều 4, chương II có quy định: Bản tính toán để xác định các thông số và đại lượng phải phù hợp với các yêu cầu quy phạm tương ứng hoặc theo phương pháp tính toán được cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương (Tổng cục Thủy sản) chấp thuận.
Cũng tại Thông tư này, các khoản 2, 3, điều 7, chương III về tổ chức thực hiện có quy định: Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế mẫu tàu cá, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố các thiết kế mẫu tàu được lựa chọn;
Tổng cục Thủy sản cũng được giao: Theo dõi, tổng hợp, định kỳ (6 tháng) báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình triển khai thực hiện Thông tư.
Chưa hết, tại điểm b, khoản 1, điều 9, chương III cũng quy định: Các bên liên quan phải trình Tổng cục Thủy sản hồ sơ thiết kế mẫu tàu cá để thẩm định.
Như vậy, đối chiếu với các quy định của Thông tư 25 cho thấy, Tổng cục Thủy sản, trong đó có Trung tâm đăng kiểm tàu cá được giao rất nhiều trách nhiệm từ việc thẩm định, đánh giá cho đến kiểm tra chất lượng tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67.
Tương tự, tại Thông tư số 26 ngày 25 tháng 8 năm 2014 về Quy định yêu cầu về nhà xƣởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá; Tổng cục Thủy sản cũng được giao trách nhiệm: Tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh sách các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt ngày 27.5 liên quan đến vấn đề giám sát các con tàu này trong quá trình đóng mới, ông Nguyễn Ngọc Oai- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lại thản nhiên cho rằng: "Thực ra, đóng một con tàu có rất nhiều đơn vị giám sát. Đầu tiên là ngư dân, trong quá trình đóng tàu phải giám sát chặt chẽ với nhà máy và nhà máy phải đóng theo đúng quy trình đăng kiểm sẽ giám sát theo các bước riêng. Đến nay, chúng tôi cho rằng các quy trình này đã rất tốt, “chạy” đều rồi nhưng còn vài yếu tố vừa rồi báo chí nêu cần có thời gian để xác định lại".
Lãnh đạo Bộ cương quyết
Trái ngược với phản ứng của Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Bộ NNPTNT lại rất cương quyết trong vụ việc này. Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: " Bây giờ phải rà soát lại toàn bộ quy định, quy trình và trách nhiệm của đăng kiểm đối với từng con tàu một. Kể cả việc ban hành quy định về đăng kiểm cũng như các thủ tục đăng kiểm và trong việc giám sát đối với từng công đoạn đóng tàu. Nếu quy định hiện hành chưa đủ minh bạch, không thể hiện rõ trách nhiệm đăng kiểm thì chúng tôi sẽ sửa và hoàn thiện việc này. Sau đó, chúng tôi sẽ có kiểm điểm rất rõ ràng và đưa ra điều chỉnh".
Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13.6 liên quan đến sự việc này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết:
Tại Bình Định có 19 chiếc hỏng, Bộ NNPTNT đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ. Bộ NNPTNT đã cử Tổng cục Thủy sản làm việc với Bình Định. Tỉnh Bình Định đã mời tất cả ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu để làm rõ trách nhiệm. Ngày 9.6, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị tại Bình Định, hội nghị có sự tham dự của các ban ngành, ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu. Bộ NNPTNT đã thống nhất với tỉnh Bình Định biện pháp xử lý.
Có 5 biện pháp xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Thứ nhất, đình chỉ hợp đồng đóng mới đối với 2 công ty đóng tàu để khắc phục;
Thứ hai, đối với hỏng máy bộ yêu cầu thay máy mới không có chuyện sửa chữa và phải làm ngay.
Thứ ba, tàu hỏng sắt thay sắt đúng chủng loại.
Thứ tư, với các tàu còn nằm bờ khi chưa sửa được, công ty phải có trách nhiệm với ngư dân không có thu nhập trong những ngày đó.
Thứ năm, tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định 19 tàu này hỏng gì nguyên nhân từ đâu. Tỉnh này đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ, Bộ NNPTNT đang phối hợp với tỉnh để có báo cáo chung trong tháng này, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả. Khi có nguyên nhân thì sẽ làm rõ trách nhiệm cụ thể đối với các bên liên quan.
"Ở đây không chỉ là vấn đề của 19 con tàu hỏng, mà còn liên quan đến cả một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Vì thế, Bộ NNPTNT đang phối hợp với tỉnh Bình Định để xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, kể cả trách nhiệm của Bộ NNPTNT"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.