Trận đánh vang lừng của Đoàn Bông Lau, bắt sống ”Vua chiến trường”

Thiên Việt (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 29/11/2014 14:00 PM (GMT+7)
Tháng 3 năm 1972, bộ đội ta tiến công Quảng Trị. Trung đoàn pháo binh Bông lau (38) được giao nhiệm vụ chi viện cho sư đoàn 304, tấn công ở hướng chủ yếu, theo đường số 9 từ hướng Tây xuống Đông Hà. Mục tiêu đầu tiên là đánh cụm điểm tựa kiên cố do trung đoàn 56, sư đoàn 3 (Ngụy) đóng giữ. Cụm cứ điểm này gồm căn cứ Caroll là nơi chỉ huy và là căn cứ hỏa lực pháo binh của địch, vòng ngoài có các căn cứ 241, Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn.
Bình luận 0

Cà Roòn (Caroll) là căn cứ pháo binh có hỏa lực ghê gớm án ngữ tây Quảng Trị, 18 khẩu 155ly mỗi đầu đạn nặng gần 50kg. Đặc biệt ở đây còn có 4 khẩu 175ly tự hành tối tân trong số 08 khẩu mà Mỹ khi ấy vừa mới trang bị cho quân đội ngụy để "Việt Nam hóa chiến tranh". Pháo này dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40km. Đại đội 4 khẩu 175ly ở đây được mệnh danh "Vua chiến trường", đại đội kia được gọi là "Thần sấm sét". Trung đoàn trưởng quân nguỵ là Trung tá Phạm Văn Đính “anh hùng lực lượng QĐ Cộng Hòa.

Trước một cuộc tiến công mùa Xuân 1972 của ta, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã từng phải lên tận Cà Roòn để trực tiếp trấn an, động viên khích lệ binh sĩ.

Đúng giờ G, những vệt pháo hiệu xanh đỏ vút lên không trung. Khẩu lệnh pháo binh nổ súng, tín hiệu mở màn chiến dịch của ta phát ra: Bão táp! Bão táp! Bão táp!

img

Trung tá Phạm Văn Đính (bên trái ảnh) khi đã quay về với Cách mạng.

Mấy ngày đầu, chiến đấu thuận buồm xuôi gió như cuộc diễn tập. Điểm tựa tiền tiêu Đầu Mầu của địch đã bị ta xóa sổ, ban đêm đặc công đánh chiếm Ba Hồ không khó khăn lắm. Tới khi đánh Động Toàn, quân ta vấp phải hỏa lực pháo binh dày đặc từ căn cứ 241 của địch.

Từ đài quan sát, ta điều chỉnh pháo bắn tập trung vào các trận địa pháo ở 241. Không còn bức tường lửa ngăn chặn, bộ binh ta nhanh chóng làm chủ Động Toàn.

Và cuối cùng nhiệm vụ chính của Trung đoàn Bông Lau pháo binh là chi viện cho bộ binh đánh chiếm căn cứ 241 (carroll). Đợt bắn phá mãnh liệt vào sở chỉ huy, trận địa pháo, khu trung tâm thông tin của địch đã xong. Chúng ta thực hiện giai đoạn bắn gọi là giám thị nhằm kiềm chế không cho các trận địa pháo hoạt động, duy trì sự hiện diện liên tục của hỏa lực làm cho tinh thần địch suy sụp, không để chúng có điều kiện hồi phục để kịp bao vây áp sát đội hình các chiến sĩ ta.

img

img

"Vua chiến trường" bị bắt sống ngày đó, nay được trưng bày tại Bảo tàng.

Một chiến sĩ "vô tuyến điện" báo cáo với cán bộ lãnh đạo:

-  Có một thằng nó yêu cầu gặp thủ trưởng.

-  Nó phá rối đấy chứ gặp gì, mặc kệ nó.

Một lát sau chiến sĩ lại báo cáo:

- Tên đó xưng là trung tá chỉ huy trưởng xin gặp Sao Hôm

Sao Hôm là mật danh đài quan sát chỉ huy của ta. Đoán cách xưng hô có lẽ là một viên sĩ quan nguỵ nên đồng chí lãnh đạo trung đoàn đã cầm máy:

- A lô! Tôi là Sao Hôm đây! Các anh gặp có việc gì.

- Tôi, trung tá Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Xin ông cho biết danh tính cấp bậc.

- Chúng tôi không có thói quen xưng hô tên tuổi cấp bậc với đối phương trong lúc tác chiến, anh gọi tôi là Sao Hôm là được rồi. Tôi không phải là cấp chỉ huy cao nhất nhưng có thể trả lời những gì anh cần hỏi, nếu quá quyền hạn tôi sẽ chuyển đạt lên cấp trên.

- Tôi đề nghị các ông dừng hỏa lực trong 1 giờ, chúng tôi muốn thương lượng.

Trung đoàn dùng điện thoại báo cáo lên cấp trên, sư đoàn điện xuống “bảo nó đầu hàng đi chứ còn thương lượng gì”.

Cán bộ ta trả lời cho viên trung tá chỉ huy trưởng của quân nguỵ:

- Tôi nghĩ đề nghị của ông không thích hợp, các ông đã mất Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn rồi. Lữ đoàn thiết giáp lên giải vây cho các ông đã bị đánh tan, chạy lui rồi. Đông Hà cũng sắp mất. Chắc ông cũng đã nghe tiếng súng máy gần kề rồi. Các ông hạ vũ khí ngừng chiến đấu là tốt nhất. Các ông nên đầu hàng đi.

- Có đầu hàng cũng cần thảo luận các điều kiện chứ!

- Không cần thảo luận đâu. Ông có biết chính sách 10 điểm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam không?

- Tôi có biết

- Chúng tôi chấp hành đầy đủ chính sách 10 điểm đó.

-  Nhưng tôi cũng cần triệu tập các sĩ quan dưới quyền, họ chỉ huy từng bộ phận rải rác khắp nơi và cần thời gian để họp.

Đồng chí lãnh đạo trung đoàn nói với trung tá Đính:

- Vậy thì chúng tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong 1 giờ như yêu cầu của ông. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. Sau khi ngừng hỏa lục được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang vũ khí. Nếu bắt được cố vấn Mỹ sẽ có thưởng.

-  Đính nói: Tôi thỏa thuận và đề nghị các ông dừng hỏa lực.

Qua ống nhòm, ta phát hiện có 1 người lính ngụy trèo lên nóc lô cốt phía Tây và phủ lên đó một tấm vải trắng, rồi vội vàng tụt xuống hầm.

Binh sĩ căn cứ 241 của nguỵ lần lượt lên khỏi công sự, ban đầu còn lẻ tẻ dè dặt nhưng rồi mỗi lúc một nhiều và không còn vẻ sợ như ban đầu nữa.

Bất ngờ trinh sát của ta ở hướng Đông báo về đài chỉ huy, có 2 trực thăng bay rất thấp từ hướng Đông lên. Chắc là hai máy bay nhằm giải cứu cố vấn Mỹ. Pháo ta chần chừ bắn hay không bắn. Sư đoàn trưởng Hoàng Đan hạ lệnh không bắn vì hàng trăm con người đã bộc lộ, đang hàng trên mặt đất, không thể vì 2 tên cố vấn mà trút pháo xuống căn cứ được. Thế là chúng bay thoát và giải cứu được cố vấn Mỹ.

Binh sĩ của căn cứ được ta hướng dẫn đi về nơi qui định, tuy không bắt buộc nhưng mỗi người đều tự tạo ra một lá cờ trắng cầm tay.

Sau này, ông Trần Thông lúc đó là Trung đoàn phó trung đoàn Bông Lau kể lại: “Đêm hôm đó, khi tôi trực ở trên đài quan sát, qua vô tuyến điện, một sĩ quan của phía địch trong khi trao đổi với ta muốn xin được nghe một bài thơ về quê hương. Qua làn sóng vô tuyến tôi đã đọc cho anh ta bài “Quê hương” của Giang Nam:

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi
.

Hôm sau đến khi đầu hàng, gặp gỡ, Phạm Văn Đính đã hỏi: đêm qua ai là người đã đọc cho tôi bài “Quê hương”?. Tôi đã nói cho anh ta biết mình là người "đọc cho Đính nghe bài thơ đó”.

Nhớ lại những ký ức cũ, ông Thông trầm ngâm kể: “Trong chuyện này có hai vấn đề rất nhân văn, thứ nhất là pháo ta đã không bắn "khi trực thăng cứu cố vấn Mỹ" vì hàng nghìn sinh mạng, cho dù đó là lính địch; thứ hai là tuy bị “bức hàng” nhưng trung tá Đính vẫn được giữ nguyên quân hàm và sau này chuyển về giảng dạy tại trường pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Ông Thông sau này đã đi nhiều chiến trường, từng là tư lệnh pháo binh của chiến trường K và về hưu với cấp bậc đại tá. Hiện ông sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Một chi tiết thú vị là tướng Vũ Văn Giai tư lệnh sư đoàn 3 Ngụy sau khi thất thủ tại Đông Hà chạy về Sài Gòn khi ấy đã bị tòa án binh Ngụy kết án 6 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem