Tranh luận trái chiều liệu có xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng

Phan Phương Thứ năm, ngày 30/10/2014 08:26 AM (GMT+7)
Trước thông tin tỉnh Quảng Bình đồng ý cho phép Tập đoàn Sun Group khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo vào tham quan hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (xem NTNN số 259/2014), hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến lo ngại rằng việc xây dựng cáp treo sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường độc đáo của hang động này…
Bình luận 0

Chỉ mới dự kiến...

Ngày 28.10, trao đổi với phóng viên NTNN về thông tin dự án trên, ông Trương An Ninh – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng vẫn chỉ mới dự kiến, chưa có “giấy tờ” gì quyết định chính thức. Theo ông Ninh, với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điều cốt lõi nhất, hơn cả về kinh tế, vẫn là bảo tồn di sản. Bởi đây là di sản thế giới chứ không chỉ riêng của Quảng Bình hay Việt Nam. Do đó, dù đã thống nhất chủ trương cho phép khảo sát thăm dò xây dựng cáp treo, nhưng trước khi quyết định làm hay không làm, tỉnh Quảng Bình sẽ tiến hành tham vấn từ UNESCO, Bộ VHTTDL và các chuyên gia khác...

img Một đoạn trần hang Sơn Đoòng - nơi dự kiến xây dựng cáp treo đi qua.   Ryan Deboodt

 

Trong khi đó, một lãnh đạo của Sở VHTTDL Quảng Bình cho rằng, việc làm hệ thống cáp treo vào hang Sơn Đoòng là cần thiết. Bởi lẽ, Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thế giới nhưng không phải chỉ để biết trong hồ sơ và ngắm suông, mà còn phải để làm kinh tế, mang lại lợi ích cho xã hội và phục vụ người dân. Đặc biệt là với hang động Sơn Đoòng, nếu không làm cáp treo thì chỉ có những người có tiền mới được chiêm ngưỡng nó, còn đại bộ phận quần chúng dân, trong đó có người dân của quê hương di sản này cũng chẳng bao giờ được đặt chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động lớn nhất thế giới. “Tuy nhiên, việc đầu tiên phải bảo đảm là không được làm hư hỏng di sản, không được phá vỡ cảnh quan môi trường của di sản. Nếu không bảo đảm được việc đó thì theo tôi cũng không nên làm” – vị lãnh đạo này nói.

Làm gì với Sơn Đoòng cũng cần thận trọng

Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Du lịch Oxalis (hiện đang độc quyền đưa du khách đến hang Sơn Ðoòng) cho rằng, nếu nói chúng tôi không đồng ý khai thác cáp treo, nhiều người cho rằng mình đang “độc quyền” khai thác du lịch ở đây nên ngăn cản, nhưng theo tôi, dù khai thác theo cách gì thì điều quan tâm trước nhất cũng là phải bảo vệ cảnh quan, môi trường, sinh thái một cách bền vững nhất.

Theo ông Á, hiện tour du lịch khám phá Sơn Đoòng của Công ty Oxalis tổ chức mang một đẳng cấp riêng mà nếu có xây dựng hệ thống cáp treo vào thì công ty của ông cũng rất ít ảnh hưởng. Ông Á cho biết, với tour du lịch này, nếu khách muốn đến tham quan Sơn Ðoòng phải mất một ngày rưỡi đi bộ và trung bình 1 du khách phải có 3 người hỗ trợ (khuân vác, đầu bếp, hướng dẫn viên, chuyên gia hang động...). Giá tour cho chương trình 5 ngày 4 đêm khoảng 3.000USD nhưng hiện danh sách chờ lên đến gần 1.000 người (chưa đặt chỗ chính thức vì chưa có lịch khai thác cho năm 2015). Ðây là một trong những tour hiếm hoi ở Việt Nam và ASEAN mà khách phải chờ để được trải nghiệm.

“Khách mua tour này là những người thích thiên nhiên, khám phá, trải nghiệm của tour kiểu “một lần trong đời” chứ không đơn thuần là đến hang lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành xong tour, ai cũng hãnh diện vì mình đã nằm trong số rất ít người thực hiện được chuyến hành trình có một không hai này” – ông Á nói. Cũng theo ông Á, du khách quốc tế đã biết đến Sơn Đoòng như một thương hiệu du lịch đẳng cấp thế giới. Điều này thể hiện qua kết quả xếp hạng của Tạp chí New York Times đưa Quảng Bình vào vị trí thứ 8 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh trong năm 2014. Quảng Bình đã được ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới nhờ Sơn Đoòng. Chính vì vậy khi “làm gì” với Sơn Đoòng thì chúng ta cũng cần thận trọng cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ càng.

Đồng quan điểm với ông Á, giám đốc một công ty du lịch khác cho rằng, những người đưa ra ý tưởng làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng chỉ đơn thuần nhìn ở khía cạnh kinh tế, chưa quan tâm nhiều đến thiên nhiên và đặc trưng riêng có của ngành du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm... “Làm cáp treo với mục đích đưa một lượng lớn du khách đến với khu vực này, kéo theo đó là phải xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng lượng khách lớn: Mở đường, xây khách sạn, nhà hàng, nguồn nhân lực và hàng loạt dịch vụ khác. Con người sẽ can thiệp trực tiếp vào môi trường rất đặc trưng của hang, mà chính môi trường này mới làm nên danh tiếng của hang, khi đó Sơn Ðoòng sẽ không còn là Sơn Ðoòng nữa…” – vị giám đốc này nói.

Ông Hồ Khanh - người đầu tiên phát hiện ra hang Sơn Đoòng cũng nêu quan điểm: “Theo tôi, việc xây dựng cáp treo lên Sơn Đoòng là không cần thiết, làm mất đi vẻ nguyên sơ của vườn di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng thời việc bảo tồn giá trị tự nhiên của hang động cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Phát triển kinh tế phải song song bảo vệ giá trị văn hóa

Chiều 29.10, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NTNN về quan điểm của Chính phủ trước việc UBND tỉnh Quảng Bình đang tính tới phương án xây dựng cáp treo vào khu di tích quốc gia hang Sơn Đoòng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Quan điểm nhất quán của Chính phủ là phát triển kinh tế luôn phải song song với việc bảo vệ giá trị văn hoá, nhất là những giá trị văn hoá, di tích lớn tầm quốc gia, quốc tế. Kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành đều phải tính đến yếu tố này. “Chính phủ sẽ cùng với báo giới sẽ theo dõi thêm việc làm của các địa phương với trách nhiệm bảo tồn di tích văn hóa ra sao” - Bộ trưởng Nên nhấn mạnh.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Yêu cầu đảm bảo sự hài hòa 

Ý tưởng làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng theo tôi chưa có gì sai, việc làm cáp treo nếu đáp ứng các yêu cầu đề ra, tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản thì cũng là cách tạo điều kiện để phát triển du lịch của địa phương, cũng là một vấn đề hết sức cần thiết. Một tài sản quốc gia mà không kết hợp giữa bảo tồn với phát triển thì không trở thành một tài sản đúng nghĩa. Vấn đề đặt ra không phải là có làm hay không mà vấn đề là phải có một dự án cụ thể, trong đó phải chú ý phải bảo đảm các yêu cầu về bảo tồn giá trị di sản, đồng thời cũng tạo hiệu quả trong khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Đấy cũng là cách phục vụ người dân tiếp cận với di sản của đất nước thuận lợi hơn.

Trước đây cũng đã có nhiều ý kiến phản đối về việc làm cáp treo lên Yên Tử chẳng hạn, nhưng thực tế đã chứng minh việc làm cáp treo là đúng đắn. Nếu như cáp treo làm mà vẫn đảm bảo bảo tồn di sản thì giúp ích rất nhiều cho phát triển du lịch. Quan điểm của tôi là bảo tồn và phát triển phải đảm bảo hài hòa, dù đây là bài toán khó. Chứ nếu cứ bảo tồn di sản không thì không phù hợp với quyền lợi của địa phương và cũng tự cắt đi một nguồn thu đáng kể. Trong khi với nguồn thu đó ta có thể dùng nó để phục vụ, tái đầu tư cho chính di sản đó trong quá trình nó bị xuống cấp theo thời gian. Biết là ranh giới giữa bảo tồn và phát triển là hết sức mong manh, nhưng nó đòi hỏi trách nhiệm của những cơ quan quản lý. 

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:Việc thiết kế, triển khai đều có báo cáo, xin ý kiến

Việc xây dựng cáp treo Sơn Đoòng hoàn toàn không phá hoại di sản thiên nhiên như nhiều lo ngại trước đó. Các ý kiến nói xây dựng cáp treo là phá hoại di sản thiên nhiên thế giới là chưa hiểu thực tế vấn đề. Cáp treo Sơn Đoòng học tập theo mô hình cáp treo ở Bà Nà (Đà Nẵng), có nghĩa là những cột trụ thiết kế đặt ở chỗ không có cây, tất cả đường cáp trên cao tôn vinh vẻ đẹp cảnh quan, giữ gìn thiên nhiên. Con người đi trên cáp treo đó có thể tận hưởng, quan sát hệ sinh thái. UBND tỉnh Quảng Bình đã rà soát rất kỹ phương án xây dựng của đối tác là Tập đoàn Sun Group, đồng thời yêu cầu đối tác phải đảm bảo yếu tố môi trường. Việc thi công và sử dụng cáp treo đã có kinh nghiệm, trong quá trình rà soát, thiết kế, thi công sẽ đảm bảo an toàn với di sản. Về đánh giá tác động của cáp treo tới môi trường, UBND tỉnh Quảng Bình đã thực hiện rất kỹ, đồng thời yêu cầu phía đối tác trong quá trình thi công phải đảm bảo yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, tất cả những thiết kế, triển khai đều đã có báo cáo, xin ý kiến của Bộ VHTTDL, đảm bảo tránh việc vi phạm những quy định của UNESCO về bảo tồn văn hóa và du lịch thiên nhiên.

  Mai An - Hải Phong (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem