Vụ xã khóa cổng nhà gần 400 người F2 ở Thanh Hóa: Có dấu hiệu lạm quyền, gây hệ lụy xấu
Tranh luận về việc xã khóa cổng nhà gần 400 người F2 ở Thanh Hóa: Có dấu hiệu lạm quyền hay không?
Nguyễn Đức
Thứ sáu, ngày 03/09/2021 10:23 AM (GMT+7)
Theo luật sư, việc chính quyền xã tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 ở Thanh Hóa là một biện pháp phòng chống dịch bệnh có tính chất cực đoan.
Một số xã khác của huyện Hoằng Hóa cũng có cách làm tương tự. Vụ việc này đã gây nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng giải pháp này chưa phù hợp, có dấu hiệu của việc vi phạm quy định của pháp luật.
Không có văn bản nào quy định việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị quyết của Quốc Hội, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) có nhiều biện pháp để thực hiện phòng chống bệnh truyền nhiễm Covid-19 ở các mức độ khác nhau như: phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16..., hạn chế đi lại, hạn chế kinh doanh, hạn chế tập trung đông người...
Tuy nhiên, việc hạn chế một số hoạt động của công dân phải căn cứ vào quy định của luật và phải được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ quy định này do ai ban hành, căn cứ vào đâu, đối tượng áp dụng là ai và thời gian áp dụng như thế nào, các biện pháp đảm bảo ra sao để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra..
"Việc chính quyền xã tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân" luật sư Cường nói.
Vị này cho biết, theo quy định của pháp luật, những trường hợp F2 sẽ được lập danh sách do Ủy ban nhân dân cấp xã phường quản lý và phải cách ly tại nhà, phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ cá nhân.
Quốc hội, chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 không có văn bản nào quy định là phải nhốt, "giam lỏng" F2 trong nhà bằng hình thức chính quyền khoá cửa cầm chìa khoá.
Ngoài ra, cũng cần kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống covid-19 của tỉnh xem có nội dung nào quy định như vậy hay không ?
Việc ban hành nội dung văn bản như vậy có đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không thì mới đánh giá được tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi này.
Trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, cho phép chính quyền cơ sở được phép thực hiện việc nhốt người dân thuộc trường hợp F2 tại nhà thì đây là hành vi có tính chất tự phát.
Việc khóa cổng như vậy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người được xác định là F2 mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người sinh sống trong ngôi nhà đó. Tất cả những người đó đều phải chịu hạn chế đi lại, làm việc, sinh hoạt giống như người có nguy cơ mắc bệnh.
Trong trường hợp có tình huống khẩn cấp xảy ra như cháy nổ, ốm đau, đột quỵ mà cần phải cấp cứu, hỗ trợ sẽ rất nguy hiểm vì không thể kịp lấy chìa khóa để giải thoát cho những người bên trong.
Nếu chính quyền cơ sở tự ý thực hiện việc khóa cổng và giữ chìa khóa của các hộ dân dẫn đến tình trạng cháy nổ, hỏa hoạn, hoặc người dân ốm đau đột xuất phải đi cấp cứu không kịp thời dẫn đến thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vi phạm.
Trường hợp thực hiện phong tỏa, cách ly một cách cực đoan, không đúng quy định có thể gây ra lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người dân và gây bức xúc trong dư luận.
Còn ông Phạm Văn Hòa, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, tại tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận một số ca nhiễm. Việc lãnh đạo tỉnh, địa phương quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh là tốt, với hy vọng đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo xã Hoàng Thái thực hiện việc cách ly y tế đối với các trường hợp F2 trên địa bàn cũng phải tuân theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, không thể mỗi địa phương thực hiện một kiểu khác nhau được.
“Tôi cho rằng việc lực lượng chức năng thực hiện khóa cổng đối với trường hợp là F2 ở xã Hoàng Thái đó là một hành vi cứng nhắc, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Bởi quy định hiện nay, đối với các trường hợp F2 được cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khỏe, không có quy định, văn bản nào cho phép lực lượng chức năng đến khóa cửa cổng nhà dân”, ông Hòa nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, cách làm của chính quyền địa phương ở xã Hoàng Thái là chưa thực sự phù hợp, cực đoan. Bởi, việc khóa cửa có dấu hiệu của việc xâm phạm chỗ ở của người dân, quyền của người dân được nêu trong Hiến pháp, quy định pháp luật.
Trường hợp người dân đồng ý, họ cũng phải được cầm chìa khóa để chủ động trong các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, đưa người đi cấp cứu.
Cán bộ tự ý ra văn bản trái luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu hình sự
Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp chính quyền cấp cơ sở có ký "bản cam kết" có chữ ký của các gia đình bị khóa cổng thì cũng cần phải làm rõ bản cam kết này có tự nguyện hay không ai là người soạn thảo, tuyên truyền như thế nào để người dân ký vào đó.
Việc phòng chống dịch bệnh phải theo quy định của pháp luật và đây là mối quan hệ hành chính, theo nguyên tắc mệnh lệnh phục tùng (quan hệ giữa nhà nước và nhân dân) nên không thể vin vào lý do thỏa thuận dân sự để thực hiện hành vi khóa cổng của nhiều gia đình.
Nếu các gia đình viết bản cam kết tự nguyện ở nhà, tự nguyện khóa cổng thì họ phải cầm chìa khóa để chủ động trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng những tình huống nguy cấp xảy ra.
Việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, trong mối quan hệ hành chính chứ không được vận dụng mối quan hệ dân sự thỏa thuận để thực hiện.
Thoả thuận như vậy rất dễ có thể phát sinh tranh chấp, khiếu kiện bởi người ta có thể vin vào đây là quan hệ dân sự đề nghị thay đổi hoặc không tự nguyện chấp hành cũng không có căn cứ để xử lý vì đó chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Bởi vậy, cần phải xem lại nhận thức về pháp luật đối với một số cán bộ ở chính quyền cấp cơ sở nơi đây để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả tốt hơn.
Trong trường hợp, cán bộ tự ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được cơ quan chức năng cho phép gây ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú, ảnh hưởng đến sinh hoạt của công dân thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cán bộ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp để xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ dẫn đến việc người dân không kịp sơ tán hoặc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng họ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.