Bắt giữ trộm vào nhà thế nào cho đúng luật?

Quang Trung Thứ năm, ngày 31/08/2023 15:10 PM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, thực tế đã có nhiều người bị truy tố, xét xử vì đánh gây thương tích hoặc tử vong khi phát hiện có trộm vào nhà. Vậy pháp luật quy định thế nào về việc này và cần làm gì để đảm bảo quyền phòng vệ, bắt giữ đúng luật?
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật cho phép người dân được quyền bắt người phạm tội quả tang, tuy nhiên phải biết rõ đó là người đang thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể ở đây là đang trộm cắp tài sản.

Trộm vào nhà cần làm gì để bắt giữ đúng luật? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cụ thể, Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, khi bắt người phạm tội quả tang, người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Vì vậy, khi phát hiện đối tượng trộm đột nhập đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, người dân có quyền khống chế, bắt giữ, thậm chí có thể gây thương tích nếu không còn cách nào khác để bắt giữ đối tượng.

Trong trường hợp sử dụng vũ lực như một cách cần thiết này, pháp luật cho phép và thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Theo luật sư Đồng, phòng vệ được xác định tại 2 trường hợp "chính đáng" hoặc "không chính đáng". Phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự phải là hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người khác.

Hành vi xâm phạm đó phải đang diễn ra và việc sử dụng vũ lực để chống trả một cách cần thiết phải là ở mức độ tương xứng. Khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa hoặc tình huống nguy hiểm không còn thì không được phép sử dụng vũ lực.

Còn "phòng vệ không chính đáng" là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích hoặc gây thiệt mạng đến tính mạng của đối tượng, ở tình huống này người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015.

Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật khác. Chính vì vậy, hành vi trộm cắp tài sản, thậm chí cướp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không vì thế mà nạn nhân có quyền gây thương tích hoặc sát hại đối tượng gây án một cách trái pháp luật.

Nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác, chúng ta hoàn toàn được phép tấn công để bắt giữ, triệt tiêu vũ lực của đối tượng nhưng khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa, không được phép gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chúng.

Đặc biệt, việc bắt giữ phải đảm bảo an toàn, nhanh chóng và giao ngay người bị bắt giữ cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem