Trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để bán có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 24/07/2023 15:12 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, các đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy đã lén lút đưa ma túy vào thuốc lá điện tử để bán kiếm lời. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng triệt phá, các chuyên gia pháp lý cũng bình luận về vấn đề này.
Bình luận 0

Phát hiện nhiều vụ việc trộn ma túy vào thuốc lá điện tử

Cụ thể, đầu tháng 2 năm nay, Công an huyện Thạch Thất, TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị thu giữ gần 100 điếu thuốc lá điện tử tại nhà của một đối tượng bán ma túy tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.

Trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để bán có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Một mẫu thuốc lá điện tử pha trộn ma túy được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Huyền.

Kết quả giám định cho thấy, 100% số thuốc lá điện tử này đều chứa chất ma túy ADB-Butinaca. Kết quả này phù hợp với phản ánh của người dân khi thấy con em mình có biểu hiện khác thường khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Hay như hồi cuối tháng 3 vừa qua, Đội CSĐT tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Môi trường Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an thị trấn Đắk Mâm và Công an xã Nam Đà, bắt quả tang Nguyễn Thị Dạ T. (SN 1996), trú huyện Krông Nô đang bán thuốc lá cho 1 đối tượng trên địa bàn, thu giữ 2 gói thuốc lá.

Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng công an thu giữ thêm 7 gói thuốc lá và 5 điếu thuốc lá điện tử.

Kết quả giám định cho thấy, số thuốc lá và thuốc lá điện tử nói trên đều có chứa chất ma túy ADB- Butinaca, có nhiều tác hại rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến thần kinh, sức khỏe của người sử dụng.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Nô đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Dạ T. về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó không lâu, ngày 17/3, lực lượng Công an TP Gia Nghĩa cũng phát hiện tại cửa hàng kinh doanh Mini Shop 2 ở phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa do Trần Đình L. (SN 1989) và Lê Thị Thảo N. (SN 1999), cùng trú huyện Đắk R'lấp làm chủ, bán 20 điếu thuốc lá điện tử không nhãn hiệu, không rõ nguồn góc xuất xứ, nghi tẩm chất gây nghiện cho một khách hàng với giá 500 nghìn đồng.

Khám xét địa điểm kinh doanh này, lực lượng Công an phát hiện thu giữ 19 mã sản phẩm đầu hút điện tử (Pod), 143 điếu thuốc lá điện tử các loại; hơn 909 g thảo mộc khô màu nâu (nghi là chất gây nghiện); 10 mã sản phẩm tinh dầu (24 chai) thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

Theo kết luận giám định, số tang vật thu giữ nói trên có chứa chất ma túy loại ADB- Butinaca, có tổng khối lượng là 106,43 gam…

Trước tình trạng trên, nhiều địa phương đã phải lên tiếng cảnh báo. Trong đó, Công an TP.HCM đề nghị người dân cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, báo ngay cho chính quyền, công an nơi gần nhất...

Đặc biệt, đề nghị các dịch vụ kinh doanh tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.

Cần làm gì để cấm thuốc lá điện tử

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng văn phòng luật sư Nhân Chính cho biết, hiện nay chưa có quy định điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử.

Trong khi đó, tại Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP giải thích cụ thể: "Lá thuốc lá" là lá của cây thuốc lá có tên khoa học là Nicotiana tabacum L và đây là nguyên liệu đầu vào của quá trình chế biến thuốc lá.

Trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để bán có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng văn phòng luật sư Nhân Chính. Ảnh: NVCC

Sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.

Như vậy, với tính chất có chứa nicotine và cách sử dụng là hít vào, thuốc lá điện tử được xem là một sản phẩm thuốc lá.

Tại Việt Nam thuốc lá điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được phép kinh doanh. Người kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh mới được phép buôn bán hoặc bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử.

Đối với các hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt, luật sư Khuyên cho biết, theo quy định tại Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử không có giấy phép kinh doanh, có giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hiệu lực, hông đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh…có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Trường hợp không có giấy phép kinh doanh mà vẫn cố ý kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, được xem là hành vi buôn bán hàng cấm.

Tùy thuộc vào giá trị của lô hàng hóa, nếu không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt số tiền phạt tương ứng theo quy định tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung.

Còn trường hợp đến mức phải xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu về tội Buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt lên đến 15 năm tù.

Bên cạnh đó, theo vị luật sư, trường hợp người sử dụng thuốc lá điện tử biết có chất mà túy nhưng vẫn sử dụng, căn cứ theo khoản 1, Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc bị xử lý hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

Còn người trộn ma túy vào thuốc lá điện tử với mục đích lôi kéo hoặc bán cho người khác sử dụng, tùy từng tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Mức phạt của các tội danh này là rất nghiêm khắc.

Trong khi đó, theo luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla), Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật này hiện chưa có các quy định về thuốc lá điện tử, nhất là các quy định liên quan đến trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử.

Quy định duy nhất trong pháp luật hiện hành là khoản 13 của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP.

Khoản 13, Điều 1 Nghị định trên chỉ nêu: "Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ".

Vì vậy, đang có một "khoảng trống" pháp lý vô cùng lớn đối với việc quản lý, giám sát thuốc lá điện tử, không có căn cứ pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm, mà phải dựa vào các văn bản khác. Các đối tượng có thể đang dựa vào "khoảng trống" này để trục lợi.

Vị luật gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng biến tướng của thuốc lá điện tử, cần xây dựng một Điều luật cụ thể hoặc sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong đó, phải tăng chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử thì mới có thể cấm được.

"Cấm thuốc lá điện tử là phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử" – bà Thơ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem