Trồng thứ khoai môn đặc sản cây tốt bời bời, tới vụ cuốc một nhát bật lên toàn củ to, thương lái tranh nhau mua

Kim Cúc (TTKN tỉnh Quảng Ngãi) Thứ bảy, ngày 19/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Anh Huỳnh Tấn Dương (42 tuổi), ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) chuyển đổi diện tích trồng rau màu thu nhập thấp sang trồng khoai môn sáp ruột vàng ở vùng ven sông Trà Khúc đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Với khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương cùng với tư duy đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, anh Huỳnh Tấn Dương (42 tuổi), ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) quyết định từ bỏ nghề hớt tóc đã gắn bó với anh 20 năm, mạnh dạn đầu tư vào làm nông nghiệp.

Anh đã chuyển đổi diện tích trồng rau màu thu nhập thấp sang trồng khoai môn sáp ruột vàng ở vùng ven sông Trà Khúc đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù dịch Covid-19, nhưng khoai môn sáp không bị mất giá, có thị trường tiêu thụ tốt. 

Trồng thứ khoai môn đặc sản cây tốt bời bời, tới vụ cuốc một nhát bật lên toàn củ to, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 1.

Vườn khoai môn sáp ruột vàng của anh Dương, thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).


Trong vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản. 

Để tìm hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, từ cuối năm 2019 đến nay, anh Huỳnh Tấn Dương đã thực hiện thành công trồng khoai môn sáp ruột vàng.

Anh Dương trồng khoai môn sáp ở vùng ven sông Trà Khúc, thuộc thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi.

Mỗi năm anh trồng được 2 vụ. 

Riêng trong năm 2021, anh xuống giống trồng 1.760m2 (tương đương 3,5 sào) khoai môn sáp ruột vàng. Sau gần 6 tháng trồng đã cho thu hoạch củ. 

Kể về cơ duyên làm cây trồng này, anh Dương tâm sự: Nhận thấy hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao trong củ khoai môn sáp ruột vàng, chế biến được nhiều món ăn ngon.

Đặc biệt anh thích nhất món “khoai môn hầm đuôi heo” nên anh muốn thử nghiệm trồng ngay tại đồng đất quê hương. 

Từ kiến thức học hỏi được của những nông dân có kinh nghiệm và tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, anh đã chăm sóc ruộng khoai môn đạt năng suất, chất lượng cao.

 

Trồng thứ khoai môn đặc sản cây tốt bời bời, tới vụ cuốc một nhát bật lên toàn củ to, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 3.

Khoai môn sáp ruột vàng trồng ở ven sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) đạt năng suất cao.


Theo anh Dương, khoai môn sáp thích hợp với vùng đất pha cát, tơi xốp, dễ thoát nước. Loại cây này xuống giống được quanh năm và trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. 

Khoai môn sáp trồng ở vùng đất ven sông Trà Khúc chất lượng không thua kém gì ở các vùng khác, thậm chí có phần nhỉnh hơn về độ dẻo, thơm nên tiêu thụ dễ dàng hơn. 

Hiện, ruộng khoai môn sáp của anh được bán cho người tiêu dùng ở vùng lân cận và bán online. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng anh vẫn có đầu ra ổn định. Bình quân 1 sào trồng khoai môn sáp, anh thu được hơn 800 kg củ, trong đó, củ lớn nhất có trọng lượng từ 300 – 500gr, với giá bán khoai môn sáp tại ruộng 20.000 đồng/kg; củ nhỏ nhất từ 100 – 200gr có giá bán 18.000 đồng/kg. 

Thời điểm được giá anh bán khoai môn sáp từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Như vậy, với 3,5 sào khoai môn sáp ruột vàng, anh thu về 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. 

Không chỉ thu lợi nhuận từ việc trồng cây khoai môn sáp, anh còn tận dụng thời gian để phát triển các dịch vụ làm đất trên cây dưa hấu và rau màu. 

Anh hiện có 2 máy cày đất, với công suất 2.400 và 4.500 mã lực. Vào thời vụ, bình quân 1 tháng anh thu về hơn 15 triệu đồng.

Nhờ đôi bàn tay cần mẫn và sáng tạo trên mảnh đất của gia đình mình, không chịu khuất phục trước cái nghèo, đến nay gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem