Trồng tre Bát Độ thành lũy, cơ hội giảm nghèo bền vững ở vùng biên giới Lai Châu
Trồng tre Bát Độ thành lũy, cơ hội giảm nghèo bền vững ở vùng biên giới Lai Châu
Tuấn Hùng
Thứ ba, ngày 11/04/2023 11:31 AM (GMT+7)
Luỹ tre biên thuỳ là mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng và lá, dọc hành lang biên giới của phụ nữ huyện Phong Thổ, Lai Châu. Mô hình trồng tre hứa hẹn tạo nên nghề mới, thu nhập mới, giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên khá giả...
Clip: Mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng sẽ mang lại nghề mới, việc làm mới, thu nhập mới cho nông dân vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Luỹ tre vùng biên giúp tạo thêm thu nhập, giảm nghèo
Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Hội LHPN tỉnh Lai Châu triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả nhằm sẻ chia khó khăn với hội viên phụ nữ ở địa bàn biên giới.
Chương trình không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ vùng biên có ý chí vươn lên, mà còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Chia sẻ với Dân Việt điện tử, chị Phàn Sa Mụng ở bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho hay: Thu nhập của gia đình tôi cũng như hầu hết các chị em trong bản, trong xã phần lớn trông chờ vào mấy khoảnh lúa nương và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Khi nghe về chương trình Lũy tre biên thùy hứa hẹn tạo sinh kế mới, tăng thu nhập, tôi rất háo hức, bởi chương trình này sẽ tạo việc làm, từ đó gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Mụng cho biết, trước khi tham gia mô hình, chị và bà con được hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. "Có kỹ thuật trong tay, chúng tôi tự tin hơn trong quá trình thực hiện, hy vọng sau này cây tre sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, có nguồn thu nhập thêm cho gia đình".
Chia sẻ về mục tiêu của chương trình, bà Nguyễn Lệ Thủy, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết: Mô hình Luỹ tre biên thuỳ với hai tác động, cung cấp cho chị em phụ nữ ở các bản của xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ thực hiện mô hình lũy tre sinh kế.
Từ cây tre bát độ bà con có thể thu được măng, lá để bán, tăng thu nhập và cũng là biểu tượng của Việt Nam để làm hàng rào mềm trên đường biên, mốc giới.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giảm nghèo bền vững
Thực tế cho thấy, những năm qua với mục tiêu sẻ chia khó khăn với hội viên phụ nữ ở địa bàn biên giới, các cấp hội phụ nữ tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ ký kết thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Trong năm 2022, hội LHPN các cấp tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được 19 nghìn ngày công lao động, hơn 6,7 tấn gạo, 10 tấn thóc, hơn 6.400 cây giống. Vận động được 450 hội viên phụ nữ tham gia các lớp dạy nghề và kỹ năng phát triển kinh tế gia đình.
Qua những hoạt động đó, năm 2022 các cấp Hội LHPN tỉnh Lai Châu đã giúp 215 hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lai Châu cho biết: Chương trình đồng hành phụ nữ biên cương giữa Bộ đội Biên phòng và Hội LHPN tỉnh Lai Châu đã phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động. Trong đó chúng tôi ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ đồng bào biên giới.
Mô hình Luỹ tre biên thuỳ được triển khai dọc tuyến biên giới xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ là một trong những mô hình hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế, qua mô hình sẽ tạo điều kiện cho chị em nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Góp phần cùng các cấp chính quyền ở địa phương đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững cho bà con.
Phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 với một số nội dung như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng…
"Có thể khẳng định chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương nói chung và luỹ tre biên thuỳ nói riêng đã và đang tạo sinh kế mới, giúp chị em phụ nữ khó khăn ở vùng biên giới tỉnh Lai Châu có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", bà Nga hồ hởi nhấn mạnh thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.