Hai vợ chồng sống với nhau bốn năm mới hạ sinh được một thằng con trai. Mừng lắm. Quý lắm. Rồi cũng đến lúc phải đặt tên làm giấy khai sinh cho nó. Tên gì đây?
Anh chồng chợt nhớ lúc trước, trong xóm anh có một gia đình rất kỳ quặc. Họ có tổng cộng 4 đứa con, ba trai, một gái. Đứa đầu tiên tên là Ỉa, đứa thứ hai tên là Chạy, đứa tiếp đặt luôn là Té, đứa con gái ra đời sau đặt luôn tên Re. Ghép lại thành một câu... thúi um. Hàng xóm có dịp gặp ông lúc vui hỏi sao lại đặt tên con như vậy, lỡ nó lớn lên xấu hổ với bạn bè thì sao. Ông cười khà khà: “Đặt tên vậy cho dễ nuôi”. Lại hỏi tiếp đó có phải tên ở nhà, còn trong giấy khai sinh thì khác hả, ông ta nói: “Tui định chơi luôn trong giấy khai sinh, nhưng bên tư pháp họ chẳng chịu”.
Đúng rồi, đặt tên cho con cũng phải nể trọng nó chứ. Đành rằng dòng máu này là của mình, huyết thống của mình, quyền đặt tên là của mình, nhưng không vì vậy mà muốn đặt kiểu gì thì đặt. Người chồng nghĩ và trong đầu dần hiện lên ngàn cái tên cho con mình. “Con trai thì phải là Vũ, là Phong, là Hưng, là Nam, là Huy, là...”, anh chồng bàn với vợ.
Người vợ vốn cũng đã nghĩ ra nhiều cái tên nhưng nhất nhất cái tên đó phải bao gồm cả họ của mình. Vì thằng bé là sự kết hợp của cả hai vợ chồng chứ có phải mình ông chồng đâu, chưa kẻ công lao của người phụ nữ nhiều hơn. Cái thời con cái phải mang nguyên họ, chữ lót của chồng đã qua rồi.
- Anh, em nghĩ tên con anh đặt nhưng anh phải cho cả họ và tên của em vào đấy nhé.
- Nghĩa là sao?
- Thì anh là Lê Nguyên Thành An. Em là Trần Nguyễn Thanh Tâm. Nếu đặt tên con là Vũ, thì phải đặt đầy đủ như thế này: “Lê Trần Nguyễn Thanh Tâm Nguyễn Thành Vũ. Thế là tên con mình bao gồm được hết cả họ tên của anh và em rồi”.
- Trời ơi, tên con dài quá anh còn không nhớ hết làm sao con và bạn bè, sau này là thầy cô giáo làm sao nhớ hết được? Anh nghĩ chỉ cần đặt Lê Nguyên Thành Vũ là được rồi.
Nghe vậy cô vợ quay mặt vào tưởng khóc nức nở. Sợ vợ vừa sinh nở xong lại buồn khóc có thể ảnh hưởng sức khỏe, anh chồng hốt hoảng vỗ về:
- Thôi thì cùng lắm là thêm họ của em vào là được rồi.
- Em biết ngay mà. Anh chẳng thương em. Anh chỉ nghĩ đến anh thôi. Dòng máu này là của chung, chẳng phải của riêng anh. Chẳng lẽ anh không nhớ cả họ và tên của vợ sao mà nói đến anh còn không nhớ hết?
Đương nhiên anh chồng phải chiều vợ rồi. Và cái tên nhằng nhịt đó cũng được bên tư pháp chấp thuận.
Thằng bé lớn lên rất nhanh. Tất nhiên nó đã gặp rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt, trong các giấy tờ văn bằng. Cái giấu chứng minh nhân dân không thể chứa hết cái tên của nó. Người ta phải viết tắt, viết nhỏ, viết khít mới chưa hết được. Nhưng lạy trời, thẳng bé học hành rất thông minh. Sau khi học xong đại học, lấy bằng thạc sĩ, nó trở thành một nhà khoa học nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới.
Lúc này, cha mẹ của nó đã già. Một hôm nó thưa:
- Thưa cha, mẹ. Con luôn tự hào được cha mẹ sinh ra và cho con một cái tên. Nhưng cái tên dài dòng đó chẳng giúp ích gì cho con trong quan hệ công việc. Con xin cha mẹ cho con qua bên tư pháp xin cắt bớt được không?
- Trời ơi, sao lại cắt, mà con định cắt bớt chữ gì?
- Con cắt gần hết chỉ còn Lê Vũ, thế là được rồi. Vừa mạnh mẽ, vừa dễ nhớ.
- Không được, không được. Đọc cái tên đó, ai biết được cha mẹ con là ai. Đồ bất hiếu – người mẹ la lên.
Người con đành phải vâng lời không dám cãi, cho đến khi anh ta lấy vợ và cũng sinh được một thằng con trai. Đương nhiên, lúc này quyền đặt tên không thuộc về ông bà nội của nó. Anh lẳng lặng làm theo ý mình với 2 từ đơn giản: Lê Phong.
Câu chuyện trên không biết có phải xuất phát từ đó không mà nghe nói sắp tới sẽ có một quy định đặt tên không quá 25 chữ cái!
Đức Béo (Báo Làng Cười)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.