Phó bản có thằng con đã ngoài 20 tuổi mà ham chơi lười học, suốt ngày thích rượu chè, cờ bạc, chỉ thích đi chợ tình cướp gái về làm vợ theo lệ từ lâu của bản. Phó bản lo lắm, muốn chạy cho nó suất công chức của bản. Lại nghe dưới Hà Nội năm nay thi ngặt lắm. Nghiêm túc chặt chẽ lắm. Đúng quy trình lắm.
Dù bằng đỏ bằng xanh, bằng học ở Tây, Tàu, Úc, Sing... gì cũng trượt. Cứ đà này vài năm nữa công chức sẽ giỏi lắm, siêu nhân trở lên. Thôi cũng mừng cho thủ đô... Đang nghĩ miên man cho thằng con thì trưởng bản cùng một đoàn trợ lý đến gọi đi xin ý kiến già làng.
Già làng vống mở miệng thành thơ, nay lại thêm tài nói chữ làm cho cả đoàn phục lác mắt bằng một tràng góp ý bằng vần chữ “CỜ”: “Cánh công chức chốn cửa công, càng chấn chỉnh càng cao. Cần có cách chọn cho chắc chắn. Cần chọn các cô chú chăm chỉ, có chí, cần cù cho công cuộc cải cách. Cấm cửa các cô chú chăm chơi, chăm chát chít, chiếm chỗ, chờ chỗ cao. Có chú có cô cay cú chăm chú chạy chọt, chịu chi cũng chẳng chọn. Con, cháu, chắt, chút, chít các cụ cả, các cô cậu cần chiều cố cũng chẳng cho. Cứ chấn chỉnh cho chắc chắn, chỉn chu, cấm cãi, chào các cô, các cậu...”.
Sau khi nghe giá làng góp ý, trưởng bản kéo cả đoàn về nhà bàn bạc. Một trợ lý nhân sự có ý kiến:
- Em nói thật, làm theo các bác dưới Hà Nội, chọn kỹ vậy, đúng quy trình vậy, tốt cho dân quá. Nhưng làm như vậy, con em mình để đi làm osin hết à?
- Không ổn – tiếng ủng hộ đồng thanh vang lên. Phó bản liền thăm dò:
- Như vậy không được. Bất công! Anh em đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của trưởng bản.
Trưởng bản cười ruồi, nhếch mép:
- Khó quái gì! Cho trượt khó gì. Ta đã có cách. Giám khảo là ta. Hỏi về kỹ năng chuyên môn, năng lực tổ chức công việc, về văn hóa thì chúng là bậc thầy, bậc cụ của chúng mình. Ta cứ nhè về luật riêng, bất thành văn của bản mình mà thi. Chợ tình có từ thời nào? Già làng có mấy huân chương? Trong chương trình xóa đói giảm nghèo, bản mình được cấp bao nhiêu con bò, dê gà nhím? Trưởng bản nào cho bò lạc về nhà? Hát then, đàn tính của dân tộc nào?... không biết già làng có mấy huân chương là phạm thượng, lại không biết dân bản ra sao thì làm sao nói là yêu dân bản được?... Các cậu cứ thế mà hỏi thì đến ông giời xuống thi cũng trượt chứ đừng cậy có mấy cái bằng đỏ, bằng xanh, trừ đứa nào mình cho học thuộc lòng.
- Cao kiến! - tiếng vỗ tay đôm đốp.
Phó bản nghe xong mừng lắm kéo trưởng bản vào trong hạ giọng:
- Dạ, em có tí chút, trăm sự nhờ anh, anh giúp cháu...
Trưởng bản cầm, đút túi xong liền nói:
- Cùng cảnh ai lại làm thế, cậu hay vẽ chuyện. Tớ nhận lần này cho cậu vui thôi chứ lần sau thì cấm đấy, nhớ nhá!
Vũ Huy Tưởng (HN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.