Nó cũng khiến mọi người không kiềm chế được mà phải tự hỏi: “Tại sao chúng ta không thể tôn vinh cái đẹp một cách cởi mở như trong quá khứ?”.
Béo mới là đẹp?
Người ta thường nói rằng, hội họa khỏa thân được tạo ra bởi người Hy Lạp; tuy nhiên tác phẩm nghệ thuật khỏa thân có tuổi thọ lâu đời nhất được tìm thấy từ trước đến nay, lại có niên đại từ những năm 28.000 TCN. Đó là một bức tượng nhỏ làm bằng đá vôi, với chiều cao khoảng hơn 11cm. Được đặt tên là “Venus của Willendorf” (nơi tìm thấy bức tượng), nhưng khác với các nàng Venus diễm lệ của nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp, bức tượng này miêu tả một cơ thể phụ nữ mập mạp hình quả lê, bụng to ngấn mỡ, bộ ngực đồ sộ có xu hướng chảy sệ.
Tác phẩm “Khỏa thân xanh” của Matisse. Tác phẩm “Het Pelsken” của Rubens.
Đã có nhiều cuộc tranh luận xung quanh lý do ra đời của bức tượng. Theo nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ - Camille Paglia: “Cơ thể béo tượng trưng cho sự thịnh vượng... là một biểu tượng phồn thực của tự nhiên mà người đàn ông tìm kiếm”. Trong khi đó, Jill Cook đến từ Bảo tàng Anh quốc lại cho rằng: “Bức tượng là một người phụ nữ trung niên, bị béo phì và đã từng mang thai” và “nó chỉ đơn thuần miêu tả một sự thật trần trụi như những gì Lucian Freud đã làm trong các bức vẽ Sue Tilley”.
“Venus of Willendorf” có phải là một hình mẫu của sắc đẹp vào thời điểm nàng tồn tại hay không là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, khi nhìn vào lịch sử của hội họa, chúng ta nhận ra rằng, sắc đẹp chưa bao giờ là một khái niệm vĩnh cửu mà nó thay đổi và dao động cùng với thời gian.
Các họa sĩ của giai đoạn Phục Hưng phương Bắc thường ưa thích thể hiện những phụ nữ khỏa thân thanh mảnh, ngực nhỏ, eo thon - giống như Eve trong tác phẩm “Adam và Eve” của Lucas Cranach the Elder, sáng tác năm 1526, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Courtauld, London. Tuy nhiên, các họa sĩ người Italy lại tỏ ra hứng thú với những cơ thể phụ nữ đầy đặn hơn, thể hiện một sự cường tráng và sung sức như trong các bức họa của Giorgione và Titian. Phần bụng dưới to cũng thường xuất hiện trong các hình mẫu thời kỳ này - đến nỗi các nhà nghiên cứu nghệ thuật ngày nay thường tranh cãi xem những người phụ nữ trong tranh có phải đang mang thai không. Hãy nhìn những người phụ nữ trong tác phẩm “Adam và Eve” của Van Eyck và “La Fornarina” của Raphel - cho dù họ có đang mang thai hay không, nét gợi cảm của họ không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Một nàng Venus khác trong bức họa “Venus của Urbino” của danh họa Titian - thường được mệnh danh là người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật, nếu xét theo các tiêu chuẩn hôm nay thì cũng sẽ bị xếp vào nhóm những người thừa cân, thậm chí là đang mang thai ở giai đoạn đầu. Titian ưa thích những phụ nữ có cánh tay và bắp đùi to. Ông cũng từng vẽ phụ nữ có thai, và coi đây là một ẩn dụ của sắc đẹp như trong tác phẩm “Diana và Cllisto”.
Peter Paul Rubens, một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của nghệ thuật Phục hưng, đồng thời cũng được coi là người thể hiện thành công nhất vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ trong hội họa. Những người mẫu trong tranh của ông không ai đủ gầy để có thể được xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue hôm nay, nhưng vào thời điểm thế kỷ 17, họ được ca tụng như những biểu tượng của sắc đẹp. Một trong số đó, cũng chính là vợ Rubens, còn được coi là người phụ nữ đẹp nhất vùng Flanders.
“Het Pelsken” (đám lông nhỏ) là bức chân dung toàn thân của Hélène Fourment người vợ thứ hai của Rubens, trong đó là hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân, khoác hờ một tấm áo lông. Bức tranh được coi là đỉnh cao của sự gợi cảm và cả gợi tình: người họa sĩ thể hiện một cách chân thực nhất từng nốt ruồi và từng nếp nhăn trên cơ thể người vợ của mình.
Đẹp trong mắt kẻ si tình
Lucian Freud, một trong những cây đại thụ của hội họa hiện đại, cũng có những tác phẩm phụ nữ khỏa thân, nhưng theo một phong cách hoàn toàn khác. Bộ tranh với nguyên mẫu Sue Tilley, một giám sát viên phúc lợi xã hội ở ngoài đời thực, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông; trong đó bức tranh “Giám sát viên phúc lợi xã hội đang ngủ” đã trở thành tác phẩm được bán với giá cao nhất của một nghệ sĩ còn sống vào năm 2008 (Freud mất năm 2011); và đến năm 2015, bức tranh “anh em” của nó, mang tên “Giám sát viên phúc lợi xã hội đang nghỉ ngơi” cũng đã được bán đầu giá với mức giá 35,8 triệu bảng.
Tác phẩm "Het Pelsken" của Rubens.
Khác với Rubens và Titian, Freud không muốn nhân vật của mình mang vẻ gợi cảm, phong tình. Ngược lại, “Big Sue” (tên gọi thân mật Freud dành cho Sue Tilley) trong tranh của ông hiện lên một cách trần trụi nhất: một người phụ nữ khổng lồ, có cân nặng lên tới 120kg, hoàn toàn khỏa thân, nằm hoặc ngồi trên chiếc ghế bành. Các bức vẽ Tilley của Freud nằm trong xu hướng “xấu xí” của hội họa khỏa thân thế kỷ XX. Trước ông, trong tác phẩm của các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng như Cezanne với “Bathers” (Những người tắm) và Matise với “Blud Nude” (Khỏa thân xanh)… những hình mẫu khỏa thân được thể hiện một cách méo mó, mờ ảo với phần thân đặc biệt bị xoáy vặn…
Tất nhiên, những bức chân dung của Big Sue không có gì là “xấu xí” cả. Vào thời điểm những bức tranh này ra đời (và cho đến tận hôm nay), có thể chúng gây ngạc nhiên vì hình mẫu trong tranh khác biệt quá xa so với những chuẩn mực cái đẹp thông thường. Nhưng nếu nhìn trong một bối cảnh rộng hơn của lịch sử nghệ thuật, mọi thứ dường như không còn vô lý nữa. Freud có lẽ hiểu được rằng, cái đẹp chỉ là một khái niệm nhân tạo và dễ thay đổi được dựng nên bởi những xã hội khác nhau và theo những cách khác nhau.
Lan Phương (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.