Từ hoang tàn, nông thôn thành phố mang diện mạo mới

Trần Đáng (lược ghi) Thứ năm, ngày 30/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
30.4.2015 là một dấu son cho quá trình 40 năm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn của TP.HCM (1975 - 2015). Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đúc kết: “Trong  suốt 40 năm qua, cả thành phố chung sức, chung lòng phấn đấu để diện mạo nông thôn thành phố có những bước thay đổi rõ nét như hôm nay”.
Bình luận 0

Theo ông Trung, có nhiều cách nhìn trong phân kỳ các giai đoạn phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn thành phố. Nếu xem xét ở góc độ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thì có thể chia thành 4 thời kỳ.

Từ hoang tàn…

Ông Trung cho biết, sau năm 1975, nông thôn thành phố “gánh” hơn 128.000 quả bom mìn, gần 2.000 tấn đạn dược các loại và hàng chục ngàn ha đất hoang hóa. Trong thời kỳ thử thách này, thành phố phải phục hóa khai hoang, đưa vào sản xuất hàng chục ngàn ha “đất trắng” để đảm bảo lương thực thực phẩm cho thành phố.

img
 Các làng nghề truyền thống được phục hồi, gìn giữ và cải thiện mức thu nhập của người lao động lên 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh chụp tại làng bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi. Ảnh: Trần Cao Bảo Long
Trong các thời kỳ sau, với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào nông nghiệp và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nên cơ cấu sản xuất từng bước chuyển đổi theo hướng tạo hàng hóa có giá trị kinh tế cao để chuyển dần sang mô hình nông nghiệp đô thị như hiện nay.

 

Về xây dựng nông thôn, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là 1 trong 18 chỉ tiêu chủ yếu của thành phố. Và gần đây thành phố đang tập trung “... đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững...”.

Diện mạo mới cho mục tiêu phát triển

Nói về việc thành phố dự kiến sẽ công bố hoàn thành Chương trình xây dựng NTM trước tháng 5.2015, ông Trung cho rằng: Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến nay, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực và đang đi vào giai đoạn cuối cùng để cả thành phố đạt chuẩn NTM. Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố nêu quyết tâm phấn đấu: “Tập trung nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí NTM, đầu tư ngân sách và bổ sung chính sách thu hút nguồn lực xã hội, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn thành phố trước tháng 5.2015”.

Bên cạnh 6 xã điểm, từ cuối năm 2010, thành phố chỉ đạo 50 xã còn lại khảo sát, xây dựng đề án NTM. Và từ năm 2011 đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM tại 56/58 xã trên địa bàn vùng nông thôn thành phố (trừ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn và xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã đô thị hóa gần như hoàn toàn, sẽ xây dựng đề án theo hướng đô thị).

Như vậy, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Tại nông thôn đã xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; đời sống vật chất và văn hóa của dân cư nông thôn được nâng lên, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và được phục vụ tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; từng bước giảm dần sự cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn; khoảng cách thu nhập giữa ngoại thành và nội thành ngày một giảm… “Diện mạo nông thôn đã có những bước thay đổi rõ nét, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển thành phố”- ông Trung nhận định.

Một tiến trình đi lên

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thành phố đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Bên cạnh các công tác chỉ đạo tập trung, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, bố trí, bồi dưỡng cán bộ..., thì việc tập trung thực hiện theo đúng phương châm chỉ đạo của Trung ương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng” là điều kiện tiên quyết.

Một trong các điểm nhấn quan trọng trong chương trình này, theo ông Trung, đó là Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo thực hiện “Thành phố chung sức xây dựng NTM”, với các nội dung cụ thể như: Hỗ trợ sản xuất, xóa nhà tạm dột nát, thực hiện an sinh xã hội... có sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Hội Nông dân thành phố, 19 quận, 25 Đảng ủy cấp trên cơ sở và các tổng công ty, Đảng ủy lực lượng vũ trang thành phố với các huyện, xã. Qua đó, thành phố đã phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực để chung tay xây dựng NTM. “Đã cơ bản xóa hoàn toàn số nhà tạm dột nát trên địa bàn”- ông Trung cho biết. Theo đó, trong năm 2014, đã xóa 2.797 căn nhà dột nát, hỗ trợ xóa 2.367 căn (trong đó, xây dựng mới 1.689 căn; sửa chữa 678 căn) với tổng kinh phí thực hiện 90 tỷ 488 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị còn chung sức thực hiện phát triển sản xuất, hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ vật tư làm đường ngõ xóm... được 8 tỷ 10 triệu đồng. Tính chung, tổng kinh phí các đơn vị hỗ trợ chung sức NTM trong năm 2014 là 98 tỷ 498 triệu đồng.

Một kinh nghiệm nữa mà ông Trung cũng cho rằng rất quan trọng cần kế thừa là phải xác định xây dựng NTM là một tiến trình, phải theo hướng phát triển đi lên. Ông nhấn mạnh, các xã đã đạt chuẩn phải luôn có kế hoạch cụ thể, giải pháp thực hiện, nhằm tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí đạt chuẩn trong gia đoạn mới. Phải xác định đạt tiêu chí không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ là đánh giá mức độ đạt được trong quá trình, là mức để so sánh sự phát triển giữa các vùng, làm cơ sở để tiếp tục phấn đấu tốt hơn.

Động lực từ chính sách

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết: “Với chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015; kết quả cho thấy- với 1 đồng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay (cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo định hướng Chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố), đã huy động được 32 đồng vốn dân và cộng đồng đầu tư, trong đó huy động từ các tổ chức tín dụng là 20 đồng, huy động trong dân là 12 đồng”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem