Từ thiện phế phẩm

Thứ ba, ngày 21/12/2010 16:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung vừa qua để lại nhiều tình cảm đối với đồng bào, nhưng cũng có những nỗi xót xa ở trong lòng. Đề cao những nghĩa cử tốt đẹp nhưng cũng nên xem lại những hành động không đẹp, ảnh hưởng đến các giá trị nhân văn truyền thống của dân mình.
Bình luận 0

Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa lập dự trù kinh phí xin tiêu hủy hàng cứu trợ lũ lụt là một minh chứng cho những việc làm thiếu cân nhắc trong cứu trợ. Đơn vị này tiếp nhận hơn 120 bao quần áo cũ, nhưng tới 40% là đồ cũ nát, phải thành lập hội đồng để tiêu hủy. Như vậy, những món quà đó là thứ vứt đi, nhưng lại tốn kém cho việc vận chuyển đến vùng lũ, nay lại phải chi tiền để tiêu hủy. Vậy thì còn tệ hơn là không cho.

Vấn nạn này không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa mà còn nhiều địa phương khác. Trong đợt lũ vừa qua, có nơi đồng bào nhận quà mà trào nước mắt vì thấy tủi thân, vì thấy người khác không tôn trọng mình. Trên thực tế, không ít người nghĩ rằng, bà con vùng thiên tai quá nghèo khổ, khó khăn, nên không ngại ngần tống khứ tất cả của dư thừa trong nhà và coi đó là việc thiện.

Báo chí đã đưa tin, chụp ảnh những đống áo quần cũ chỉ có thể sử dụng làm giẻ lau chùi, nhưng đã được chuyển đến với người dân vùng lũ. Ở đây không phải là sự nhầm lẫn, sơ suất thông thường, mà xuất phát từ nhận thức không đúng của người làm từ thiện. Nhận thức kém hay nói đúng hơn là sự vô tâm của họ đã làm tổn thương và xúc phạm đến lòng tự trọng của người tiếp nhận.

Tặng quà là những thứ giẻ rách dư thừa phải đi tiêu hủy đã là một sự cay đắng, nhưng vẫn còn hơn tặng quà bằng miệng, cho người dân lũ lụt ăn bánh vẽ. Những người tự xưng là doanh nhân thành đạt, xuất hiện ở các buổi lễ sang trọng, mở miệng là "quát" bạc tỷ, nhưng chỉ để đánh bóng mình. Có người biến mất sau khi cao hứng tuyên bố, có người không thực hiện đầy đủ như cam kết.

Đồng bào bị thiên tai coi tivi sung sướng và cảm động trước những tấm lòng doanh nhân, nhưng cuối cùng họ đã bị lừa. Những hành động như vậy là sự xúc phạm ghê gớm vào con người và ảnh hưởng đến các hoạt động từ thiện khác.

Từ thiện là tự nguyện, nhưng các cơ quan tiếp nhận đầu vào có thể kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng để loại trừ phế phẩm. Đối với từng cá nhân, tổ chức, cũng nên hiểu rằng, làm từ thiện không phải là ban phát cho người nghèo thì làm thế nào cũng được, mà cần ứng xử hết sức văn hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem