Ước mơ 3.000 tủ sách
Một ngày đầu năm se lạnh, Tuấn có mặt đúng hẹn với tôi tại quán nhỏ bên mép chợ Cầu nổi tiếng ở thị tứ nhỏ Gio Linh. Chàng trai trẻ tặng tôi cuốn sách “Về giữa đất trời Trường Sa” của nhà báo Đào Tâm Thanh (Báo Quảng Trị). “Có nhiều người, trong đó có nhà báo, phóng viên quan tâm đến sách hóa nông thôn, đó là động lực cho mình cố gắng” – Tuấn tâm sự.
Lê Minh Tuấn (áo trắng, chính giữa) trong những lần đi trao sách cho các trường tiểu học trên địa bàn Quảng Trị. Ảnh: N.V
Tuấn kể, năm 2013, tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng Trường Đại học GTVT TP.HCM rồi làm việc tại một công ty thủy lợi ở Quảng Trị. Từ nhỏ, Tuấn bạn bè gọi là “con mọt sách” bởi ngoài thời gian học, tham gia các chương trình thiện nguyện Tuấn dành phần lớn tình yêu với sách.
Tuấn bảo, đã biết đến chương trình sách hóa nông thôn từ lâu, nhưng mãi đến năm 2015 khi thấy anh Nguyễn Quang Thạch – người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ sách cho trẻ em nông thôn mới thực sự xúc động và làm theo.
Tháng 8.2015, Tuấn khởi động chương trình sách hóa nông thôn Quảng Trị bằng cách bỏ tiền túi từ đồng lương của mình lặn lội vào TP.HCM mua một vài tủ sách đem tặng các trường tiểu học. Ban đầu, khi nghe Tuấn giới thiệu sách hóa nông thôn, nhiều trường học không hiểu, sợ tuyên truyền không đúng nên từ chối. Có trường còn thông tin: “Học sinh học nặng quá rồi, chỉ cần đọc sách giáo khoa là đủ”. Nhưng rồi, bằng lòng nhiệt huyết của mình, Tuấn đã chứng minh cái hay, cái tốt của sách hóa nông thôn. Nhận sách, thấy học sinh say sưa đọc nhà trường đã xin thêm sách.
Lê Minh Tuấn nhận sách ủng hộ từ nhà báo Đào Tâm Thanh (Báo Quảng Trị - bên phải). Ảnh: N.V
Có những học sinh chỉ lớp 3, lớp 4 đi học còn mang theo em nhỏ tới lớp để trông cho cha mẹ lên rẫy. Buổi trưa, sau khi cho em ăn và ngủ, học sinh lại đem sách ra đọc. Hình ảnh khiến Tuấn không thể quên là 4 em học sinh Trường Tiểu học A Bung cầm cuốn sách ngồi dựa cọc tiêu bên vệ đường Hồ Chí Minh đọc xuyên trưa. “Học sinh miền núi khát sách lắm, mình ước sẽ có thật nhiều sách cho các em” – Tuấn nói.
|
Từ đó, Tuấn vận động bạn bè, các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ sách. Khi ai đó muốn tặng sách, Tuấn liên hệ với nhà trường rồi lên danh sách số lượng, loại sách cần mua. “Mạnh thường quân” căn cứ danh sách đó tự liên hệ với nhà sách và nói “mua sách đóng góp chương trình sách hóa nông thôn” sẽ được giảm giá 30 - 40%. Nhận sách, Tuấn kêu gọi bạn bè cùng trao tận trường và đặt ngay tại các lớp học để học sinh thuận tiện đọc. Mỗi lớp Tuấn đặt 1 tủ sách từ 40 đến 50 đầu sách, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Đến nay, Tuấn đã trao 150 tủ sách cho 18 trường tiểu học. Mục tiêu của Tuấn đến năm 2020 kêu gọi được 3.000 tủ sách “phủ sóng” sách hóa nông thôn đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn. Trong mỗi cuốn sách ngoài tri thức còn được Tuấn đóng dấu dòng chữ “Chia sẻ trách nhiệm xã hội” nhằm in vào tiềm thức trẻ thơ, để lớn lên các em sẽ có trách nhiệm chia sẻ với những người cần giúp đỡ, ít nhất là chia sẻ sách.
Cứ mỗi độ xuân về, đêm giao thừa Tuấn lại cùng nhóm bạn rảo bước trên nhiều con phố TP.Đông Hà lì xì sách cho trẻ em. Tuấn bảo, mình lì xì sách là mang lại niềm vui, tri thức và nhận thức trân quý sách cho mọi người. Chẳng những vậy, Tuấn còn lập nên thư viện online. Mọi người chỉ cần vào Facebook Sách hóa nông thôn Quảng Trị sẽ thấy đường link dẫn đến thư viện Lê Minh Tuấn. Ở đây sẽ liệt kê ra khoảng 1.000 đầu sách bao gồm tên sách, thông tin tác giả, năm xuất bản, thể loại và tình trạng sách đã được mượn hay chưa. Mọi người có thể mượn sách ở thư viện online mà không cần tốn bất cứ khoản phí hay loại giấy tờ nào, chỉ dựa vào niềm tin. “Mất sách cũng là điều tốt, chứng tỏ cuốn sách đó có giá trị, bạn đọc nó” – Tuấn chia sẻ.
Đọc sách cho tương lai
Sách trong chương trình sách hóa nông thôn của Tuấn rất phong phú như giới thiệu danh nhân văn hóa thế giới, văn học kinh điển, lịch sử Việt Nam, sách kỹ năng, khoa học đơn giản, tình cảm gia đình, sách dạy cách làm đồ chơi tự tạo niềm vui cho trẻ… Để trẻ em thích thú đọc sách, Tuấn chọn đúng loại sách theo từng lứa tuổi. Học sinh tiểu học cần đọc sách có nhiều hình ảnh hơn chữ viết. Đối với học sinh lớp 1, Tuấn lựa chọn sách có tỷ lệ 80% hình ảnh, 20% chữ và tăng dần số chữ lên theo từng lớp học.
Tuấn tâm sự, nhìn thanh niên các nước phát triển như Nhật Bản ngồi ở ga tàu điện, bến xe đọc sách ngấu nghiến, Tuấn lại buồn khi nghĩ về lớp trẻ Việt Nam. Theo thống kê, trung bình mỗi năm người Nhật Bản đọc khoảng 20 cuốn sách, còn người Việt chỉ 0,8 cuốn. Do Thái là dân tộc đọc sách nhiều nhất thế giới, bởi vậy dù chỉ chiếm 0,19% dân số thế giới (năm 2013) nhưng họ chiếm đến 1/5 số giải thưởng trên thế giới. Lúc mang thai, người mẹ Do Thái thường đọc sách, làm toán. Sau khi sinh con, họ quệt mật ong vào sách cho con liếm để con có tiềm thức sách rất ngọt ngào. Trong mỗi gia đình người Do Thái đều có tủ sách lưu truyền nhiều thế hệ… Mỗi tiệc khai trương, ăn mừng thay vì tặng hoa, rượu hay thứ khác thì họ tặng sách.
Ở Việt Nam, thói quen đọc sách chưa được hình thành. Trẻ em nông thôn vì điều kiện khó khăn nên thiếu sách, còn trẻ em thành thị lại bị hấp dẫn bởi điện thoại, game… Vì vậy, khi nhận mỗi tủ sách, Tuấn cẩn thận từ khâu trao tặng đến quản lý sách để tâm huyết của mình sinh lời. Với Tuấn, thói quen đọc sách không sinh lời ngay mà có thể 10 hay 20 năm sau mới phát huy giá trị, đó là giá trị tri thức. Và như người Do Thái đã nói: “Tri thức là loại vốn đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt”.
Tuấn kể, mỗi lần trao sách đều có kỷ niệm riêng, nhưng đặc biệt nhất là những lần trao sách cho trẻ em vùng núi khó khăn. Có lần, vừa trao sách cho học sinh trường tiểu học miền núi A Bung (xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị), Tuấn đã thấy các em đọc ngấu nghiến. Có những học sinh chỉ lớp 3, lớp 4 đi học còn mang theo em nhỏ tới lớp để trông cho cha mẹ lên rẫy. Buổi trưa, sau khi cho em ăn và ngủ, học sinh lại đem sách ra đọc. Hình ảnh khiến Tuấn không thể quên là 4 em học sinh trường tiểu học A Bung cầm cuốn sách ngồi dựa cọc tiêu bên vệ đường Hồ Chí Minh đọc xuyên trưa. “Học sinh miền núi khát sách lắm, mình ước sẽ có thật nhiều sách cho các em” – Tuấn nói.
Đang tâm sự, bỗng chuông điểm 12 giờ trưa, Tuấn chia sẻ với tôi niềm vui mới trước lúc tạm chia tay. Đó là sau khi Tuấn trực tiếp làm việc, chính quyền huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã ủng hộ sách hóa nông thôn bằng cách phát thư ngõ kêu gọi sự giúp đỡ từ xã hội để xây dựng tủ sách lớp học. Với tôi, đó là điểm sáng mà các địa phương khác cần làm theo.
Ngoài thực hiện sách hóa nông thôn Quảng Trị, Tuấn còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Thứ Hai hàng tuần, Tuấn tham gia nấu gần 1.000 suất cháo ở câu lạc bộ Nồi cháo nhân tâm phát cho bệnh nhân trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.