Tục "ma chay" trong chiếc quan tài gỗ của người Rơ Ngao

Bài, ảnh: Tuấn Anh Thứ sáu, ngày 15/05/2015 11:06 AM (GMT+7)
Chiếc quan tài dùng cho người đã mất của đồng bào Rơ Ngao rất đặc biệt là được làm từ những thân cây gỗ quý như trắc, cà chick, bà ma. Để chế tác ra một chiếc quan tài, những người thợ nơi đây đã phải đục, đẽo rất tỉ mỉ, khoét rỗng từ phía trong thân cây gỗ rồi mới hoàn tác. Bình quân một chiếc quan tài nặng 150 kg, dài 1,8 mét và  hình trụ tròn, trông khác lạ với những quan tài được làm ở nhiều địa phương khác.
Bình luận 0

Trong một chuyến công tác về làng Kon Gung ở bên bờ hồ thủy điện Plei Krông, thuộc xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, chúng tôi đã tận mắt được chứng kiến sự kỳ công để làm ra những chiếc quan tài từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Cảnh vật và con người nơi đây thật hiền hòa. Bà con chủ yếu là người Rơ Ngao, quanh năm chỉ biết có nương rẫy và mỗi tối về lại cùng nhau ngồi bên bếp lửa, uống những mụm rượu ghè thơm lừng.

Khi vào làng, chúng tôi thấy một người trung niên chừng 46 tuổi, đang đục, đẽo rất tỉ mỉ cây gỗ dài chừng 2 mét và trông thật lạ mắt. Sau một hồi trò chuyện thì chúng tôi mới biết đó là chiếc quan tài của người Rơ Ngao là như thế. Không giống như quan tài của các nơi khác, dân tộc Rơ Ngao làm quan tài là đục rỗng thân một cây gỗ và người dân thường gọi là quan tài tròn.
img
Chiếc quan tài đang được một người thợ Rơ Ngao chế tác.
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã tìm đến nhà già làng A Theoh và được già tâm sự: Từ xưa tới nay, người Rơ Ngao chúng tôi đều dùng quan tài được làm từ những cây gỗ quý được lấy trên rừng về. Những cây gỗ thường được dùng làm quan tài như: Cà chick, cây hương, bà ma. Nhưng để chặt và đục đẽo được thành chiếc quan tài cho người chết không phải là chuyện dễ dàng đâu. Ngày nay, đang có cưa máy hay một số dụng cụ khác hỗ trợ làm nhanh hơn, chứ lúc xưa từ khâu chặt cây đến làm thành quan tài cũng chỉ có cái rìu.

Việc lên rừng chọn cây làm quan tài, phải đi chừng 5 người đàn ông khỏe mạnh, nhằm hỗ trợ làm với nhau. Để làm được quan tài, họ phải ở lại rừng cả tuần, có khi là cả tháng trời mới về nhà. Trước khi đi, một người lớn tuổi nhất đứng ra phân công những ai đem dụng cụ cần thiết như: Cơm, lửa, rìu, dao…để cho chuyến đi dài ngày. Khi vào rừng, việc trước tiên là mọi người dựng một cái chòi hay tìm cái hang đá nào thuận tiện cho việc nghỉ ngơi qua đêm và để nhóm lửa sưởi ấm.

Đã có chỗ để nghỉ ngơi, bắt đầu đi tìm cây gỗ, mà thường làm quan tài phải chọn loại thân gỗ to chừng 2 người ôm. Lúc chặt được cây hạ xuống, một người lấy tay gang đo chừng dài 1,8 mét, chặt ra và khoét rộng bên trong thân khúc gỗ. Và mỗi cây gỗ cũng làm chừng được 3 cái quan tài, cứ thế khi nào làm đủ 5 cái mới về. Bình quân một cái quan tài khi được làm hoàn chỉnh mà bằng gỗ Cà chick, cũng phải nặng tới 150 kg và phần mặt trên quan tài để bỏ người chết vào chỉ rộng 28 cm. “Với phong tục của người Rờ Ngao, mỗi khi bỏ người chết vào quan tài thì đặt nằm nghiêng cho lọt vào, sau đó mới lật ngửa lại. Sau đó đậy nắp quan tài lại, dùng bùn đất bịt kín những chỗ nào còn hở và đem dây mây buộc chặt nắp vào quan tài trước khi đem ra nhà mả” – già làng A Theoh kể.

 Để làm xong quan tài là rất lâu, nên chiều đến cùng nhau đi lấy rau, bắt cá…nấu ăn buổi tối và nghỉ ngơi tại chòi. Lúc quan tài được làm xong, họ lại tiếp tục đi chặt cây gỗ nhỏ hơn làm nắp và sau đó rắp thành một khối hình trụ tròn. Khi hoàn thành xong công việc, họ khiêng những chiếc quan tài xuống dòng sông hay dòng suối để cho nó trôi về làng, rồi đem ngâm ở ngoài hồ, bên khe suối, cho tới khi có người chết thì mới đem về để mai táng. Đối với những gia đình nghèo, quan tài được đem ra nhà mả, rồi đem người chết ra bỏ vào quan tài để chôn cất. Nếu đem quan tài về nhà, gia đình đó phải mổ trâu, mổ bò cho cả làng ăn, mà người nghèo thì không có điều kiện kinh tế để làm.

Cho đến ngày nay, người Rơ Ngao không còn làm quan tài ngay ở rừng như xưa nữa, mà chỉ tìm gỗ rồi đem về nhà đục đẽo. Và họ cũng không còn để quan tài ngoài hồ hay khe suối, vì gỗ ngày càng hiếm, nếu để như vậy sẽ bị mất trộm thì sẽ rất "đen đủi" cho gia đình. Dù thế, nhưng cho đến ngày nay, người Rơ Ngao vẫn còn mang nặng phong tục ma chay riêng của dân tộc mình, không đổi thay theo thời gian.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem