Tuyên truyền, vận động nông dân nên kèm những hỗ trợ thiết thực

Vũ Thảo Thứ tư, ngày 06/11/2019 05:30 AM (GMT+7)
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Chư Pah (Gia Lai) đã tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng nhiều hình thức để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Bình luận 0

Giúp nông dân sản xuất sạch

Bà Lê Thị Ánh Dương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah cho hay, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn đưa những giống cây, con mới vào sản xuất; chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu, cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả…

Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp Hội tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ còn khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”.

 Gia đình chị Võ Thị Minh Nguyệt (làng Bới, xã Hòa Phú) có 3ha đất sản xuất. Trước đây, gia đình chị chỉ trồng cà phê và cao su. Do giá cà phê, cao su liên tục xuống thấp nên nguồn thu nhập của gia đình bị giảm sút rất nhiều. Vì vậy, khi được Hội Nông dân xã vận động chuyển đổi cây trồng, gia đình chị đã trồng xen 40 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Thấy trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê có hiệu quả (40 cây cho thu hơn 100 triệu đồng/năm), đầu mùa mưa vừa rồi, chị tiếp tục xuống giống thêm 60 cây.

img

 Nhờ Hội Nông dân vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh cây ăn quả trong vườn tiêu, cà phê mà nhiều nông dân huyện Chư Pah (Gia Lai) có thu nhập tốt. (ảnh: Vũ Thảo)

“Nhờ được Hội Nông dân xã tập huấn kỹ thuật sản xuất cũng như thành lập tổ liên kết trồng sầu riêng sạch mà chúng tôi có được kiến thức sản xuất theo hướng hữu cơ và được đảm bảo đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định” - chị Nguyệt chia sẻ.

Gia đình ông Bùi Trung Tuyến (thôn 8, xã Nghĩa Hưng) có 1ha đất sản xuất. Trước đây, ông cũng loay hoay với việc tính toán chuyển đổi cây trồng để mang lại hiệu quả cao nhất. Ông Tuyến cho hay: “Trước tình hình giá cả nông sản chủ lực giảm, được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển 4 sào đất sang trồng 80 cây chuối, 2.000 bụi đinh lăng, đồng thời xen canh một số loại cây ăn quả như na, nhãn. Bước đầu, các loại cây trồng mới này đã cho thu nhập khá”. 

Thể hiện vai trò nòng cốt của Hội

Để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện Chư Pah đã tích cực vận động xây dựng quỹ tại các chi hội. Nguồn quỹ này do hội viên, nông dân tự nguyện góp với nhau và có trách nhiệm cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, giám sát. Quỹ được dùng cho hội viên, nông dân nghèo vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 106/109 chi Hội Nông dân xây dựng được quỹ với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực quan trọng do hội viên, nông dân tự tạo nên dưới sự hướng dẫn, tư vấn của các cấp Hội nhằm tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Cùng với việc hỗ trợ về vốn sản xuất, các cấp Hội Nông dân huyện Chư Pah còn đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

Ngoài nguồn vốn quỹ chi hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Chư Pah đã phối hợp với các ngân hàng giải ngân vốn vay cho hội viên, nông dân để đầu tư sản xuất. Trong đó, Hội đã phối hợp Ngân hàng NNPTNT huyện thành lập 54 tổ vay vốn với 1.569 thành viên, tổng dư nợ đến nay đạt hơn 138,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là hơn 87 tỷ đồng với 65 tổ tiết kiệm và vay vốn/2.996 thành viên tham gia.

Bà Lê Thị Ánh Dương -Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah cho biết: Hội đã tập trung hỗ trợ hội viên vay vốn cũng như đẩy mạnh các phong trào vận động gây quỹ giúp hội viên phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống; vận động hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương và Hội Nông dân phát động.

Theo bà Ánh Dương, bên cạnh đó, Hội Nông dân còn thường xuyên phối hợp với các phòng chức năng của huyện, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên, góp phần nâng cao kỹ năng sản xuất cũng như giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao như mô hình liên kết trồng sầu riêng sạch ở xã Hòa Phú, nuôi ong ở xã Nghĩa Hưng, trồng cà phê ở xã Ia Ka…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem