VND đã tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, từ nay tới cuối năm tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều và VND có thể "mất giá" tối đa 2% trong nửa cuối năm.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9, Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết một điểm sáng trong tháng 8 là diễn biến của tỷ giá USD/VND.
Theo đó, VND tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực tính đến thời điểm hiện tại.
Theo SSI Research, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hạ 225 VND/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ, xuống mức 22.750 VND/USD. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu đã được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối dồi dào, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước cũng chuyển phương thức giao dịch của việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay. Điều này được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản kịp thời cho hệ thống ngân hàng. Nhìn chung, thanh khoản hệ thống trong tháng 8 duy trì dồi dào nhờ khối lượng lớn hợp đồng mua kỳ hạn USD 6 tháng đáo hạn.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể đã tăng dần khi số liệu không mấy tích cực về cán cân thương mại hàng hóa và giải ngân vốn FDI trong tháng 8. Cụ thể, vốn FDI giải ngân chỉ đạt 1,08 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ.
Do đó, diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai (tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới).
Về mặt kinh tế, theo đánh giá của các chuyên gia, tiền đồng lên giá so với USD giúp Ngân hàng Nhà nước tăng mua dự trữ ngoại hối với giá rẻ.
Ngược lại, điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Trong khi đó, VND tăng giá trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh.
Dẫn chứng là, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 216,26 tỷ USD, tăng tới 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD).
"Tỷ giá là con dao 2 lưỡi, khi tỷ giá giảm tức là VND tăng giá sẽ gây bất lợi cho nhà xuất khẩu. Khi đó, hoạt động xuất khẩu chậm lại và ngược lại, nhà nhập khẩu có lợi; từ đó, làm tăng nhập siêu. Điều đáng nói, khi kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng các nước sẽ có động thái giảm giá đồng tiền của nước mình để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu; điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu và vốn FDI như Việt Nam. Như vậy, việc VND tăng giá 1,4% từ đầu năm đến nay rõ ràng là không có lợi cho nền kinh tế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán VPS cho hay, tỷ giá trong các tháng cuối năm sẽ tăng do Việt Nam đang nhập siêu và xuất khẩu gặp khó.
Hơn nữa, động thái mua ngoại tệ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho VND yếu đi trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng tối đa của tỷ giá tối đa chỉ vào khoảng 2%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.