Tỷ lệ chọi “ảo” giảm mạnh

Thứ tư, ngày 12/05/2010 09:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 11-5, nhiều trường đại học, cao đẳng đã tổng hợp hồ sơ, bước đầu công bố tỷ lệ chọi của kỳ tuyển sinh 2010. Xu hướng năm nay, tỷ lệ chọi “ảo” giảm nhiều, hứa hẹn một mùa tuyển sinh “dễ thở”.
Bình luận 0
img
Tỷ lệ chọi được công bố là cơ sở để nhiều thí sinh quyết định lựa chọn trường và ngành dự thi. (ảnh minh họa).

Giảm tỷ lệ chọi “ảo”

Bà Lê Thị Thu Thuỷ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Tổng hồ sơ đăng ký dự thi của trường là 12.000, giảm 1.000 hồ sơ so với năm trước, trong khi đó chỉ tiêu tuyển là 3.000 sinh viên ở cả 2 khối C và D nên tỷ lệ chọi ở mức 1/4. Tỷ lệ chọi này là tương đối “thật” do thí sinh “ảo” đã giảm theo lượng hồ sơ đăng ký.

Trường ĐH Hàng hải cũng giảm 2.000 hồ sơ so với năm 2009 (15.000 bộ), so với chỉ tiêu thì tỷ lệ chọi của trường là 1/5. Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “2.000 hồ sơ giảm tương đương với lượng thí sinh “ảo” năm trước, chính vì vậy tỷ lệ chọi năm nay được dự đoán là không “ảo” nhiều. Điều này cũng khiến trường chủ động được trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi”.

Ông Đỗ Thanh Duy - chuyên viên Vụ Giáo dục đại học cho biết: “Một số trường có lượng hồ sơ giảm nhưng tỷ lệ chọi vẫn tăng là do trường đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, còn nhìn chung tỷ lệ chọi trên cả nước năm nay sẽ giảm, đồng nghĩa với việc tỷ lệ chọi “ảo” sẽ ít hơn và chính xác hơn. Điều này sẽ hứa hẹn một mùa tuyển sinh khiến cả thí sinh và các trường đều không phấp phỏng mừng lo về chọi “ảo” nữa”.

Các trường đại học ở phía Nam số hồ sơ và tỷ lệ chọi cũng giảm nhiều. Năm 2009 Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM là trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất thành phố, năm nay chỉ nhận được 3/4 số hồ sơ so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết, nhà trường nhận được 41.000 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.000 sinh viên, tỷ lệ chọi tính chung là 1/10,25.

Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm là do lệ phí tăng gấp đôi, 80.000 đồng/bộ so với 40.000 đồng/bộ ở năm ngoái nên số thí sinh nộp 3-4 bộ hồ sơ không nhiều. Như vậy, số lượng giảm chủ yếu là hồ sơ “ảo”.

“Đảo chiều” cho khối ngành Nông- lâm

Ngành có ít thí sinh thi nhất

Đó là khối D2 (Văn, Toán, Tiếng Nga) dự thi vào ĐH Huế, chỉ có duy nhất 1 thí sinh đăng ký dự thi. PGS-TS Nguyễn Hoàng - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Huế, cho biết, đến ngày 11-5, đã có 61.083 hồ sơ đăng ký dự thi gửi về ĐH Huế. Trong đó, đợt thi thứ nhất (khối A và V) có 20.385 hồ sơ, đợt hai có 40.698 hồ sơ (khối B chiếm nhiều nhất với 23.006 hồ sơ và ít nhất là khối D2: 1 hồ sơ). So với năm 2009, lượng hồ sơ giảm từ 3.000-4.000 bộ

Khác với dự đoán ban đầu về một mùa thi hiu hắt, Trường ĐH Nông nghiệp có tỷ lệ chọi lên tới 1/9,5 (trường đã nhận 43.000 bộ hồ sơ trong khi chỉ tiêu xét tuyển là 4.500). Tương tự, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM nhận được 43.000 hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 4.400 sinh viên, do đó tỷ lệ chọi chung là 1/9,77.

Tỷ lệ chọi của 2 trường này cao hơn hẳn khối ngành Ngân hàng- vốn là ngành “hot” (nóng) của năm ngoái. Cụ thể, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận được 15.724 hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 2.400 sinh viên (cả hệ cao đẳng), tỷ lệ chọi là 1/6,55.

Các trường Nông - Lâm thường được coi là trường “tốp giữa” trong lựa chọn của thí sinh. Xu hướng năm nay cho thấy, lượng hồ sơ đổ nhiều về các trường tốp giữa khiến tỷ lệ chọi của các trường này tăng nhẹ.

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận được 7.090 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 83 bộ so với năm ngoái đã “kéo” tỷ lệ chọi lên mức 1/5 (cao hơn năm 2009 là 1/4,8).

Tuy nhiên, ông Đinh Việt Hải - Phó phòng Đào tạo, giải thích: “Tỷ lệ chọi có tăng là do chỉ tiêu tuyển sinh của trường giảm chứ không phải do 83 bộ hồ sơ tăng kia. Chúng tôi tin là số lượng thí sinh đến dự thi sẽ tăng hơn so với năm trước”.

Tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội số lượng hồ sơ đăng ký dự thi là 12.800, giảm 1.000 so với năm 2009. Tuy nhiên, do chỉ tiêu tuyển sinh vào trường cũng giảm nên tỷ lệ chọi lại tăng nhẹ: 1/2,2 (năm 2009 là 1/1,8).

Ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng trường cho biết thêm: Năm nay, trường xây dựng điểm trúng tuyển theo khối thi và theo các nhóm ngành. Ngoài điểm chuẩn từng nhóm ngành trường sẽ đưa ra điểm sàn cho mỗi khối thi (A, D). Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký nhưng đạt điểm sàn vào khối thi sẽ được xét tuyển vào một nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn nếu thí sinh có nguyện vọng.

Tỷ lệ chọi cao nhất: 1/53

“Kỷ lục” này bước đầu thuộc về khoa Điều dưỡng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM). Thống kê bước đầu, khoa này nhận được 3.700 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu tuyển là 70 nên tỷ lệ chọi lên tới 1/53.

Ông Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đạo tạo Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Tỷ lệ chọi cao không có nghĩa là điểm đầu vào cao. Mọi năm điểm đỗ của khoa này chỉ dao động khoảng 23-24 điểm. Các khoa khác như Răng - Hàm - Mặt, bác sĩ đa khoa, Dược... tuy tỷ lệ chọi thấp hơn nhưng luôn có điểm đầu vào rất cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem