Vài kỷ niệm không thể quên về những người làm nghề "quản giáo"

Vũ Hùng Thứ tư, ngày 19/08/2020 09:00 AM (GMT+7)
Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng 8 thành công (19/8/1945-19/8/2020), cũng là Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, tôi có vài kỷ niệm không thể quên về những người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, xin được kể ra đây phục vụ bạn đọc Dân Việt.
Bình luận 0

1. Chiếc nhẫn vàng của người quản giáo

Quản giáo là gọi theo cách ngày trước, còn bây giờ gọi là cảnh sát hỗ trợ tư pháp và thi hành án hình sự - những người vì công việc đặc thù mà có những nỗi niềm rất riêng trong lực lượng Công an nhân dân.

Một trong những người quản giáo để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 Bộ Công an, Nhà giáo Nhân dân, sau này ông lên Thiếu tướng - Cục trưởng V26, rồi Trung tướng - Tổng cục phó Tổng cục VIII, thầy Phạm Đức Chấn.

Thầy Chấn có một tấm lòng thương yêu các học trò hiếm có, như người cha đối với những đứa con đẻ của mình. Chỉ nói 2 ví dụ sau để hiểu các cháu học sinh hư đã yêu quý thầy Chấn đến mức nào để đền đáp lại tấm lòng của thầy.

Năm 1967, khi chiến tranh phá hoại xảy ra, trường của thầy Chấn phải chuyển từ Lao Cai về Yên Mô, Ninh Bình. Khi chuyến tàu hoả chở mấy trăm học sinh của trường đang chạy trên đường thì gặp máy bay Mỹ ném bom. Tàu dừng khẩn cấp, thầy Chấn cho các học sinh tuỳ nghi di tản, mạnh ai nấy chạy vào rừng tìm chỗ trú ẩn. Vậy mà hết báo động, điểm danh lại trên tàu không thiếu một cháu nào. Không một ai trong số hàng trăm học sinh hư ấy đã nỡ bỏ trốn thầy Chấn nhân lúc chạy tránh bom.

Cũng dịp đi thực tế ở Trường Giáo dưỡng số 2 gần chân núi Cánh Diều ở Ninh Bình cách đây đã gần 30 năm, một tối, thầy Chấn rủ tôi ra xóm dân cạnh trường mừng một đám cưới. Hoá ra chú rể vốn là học sinh cũ của trường. Sau khi ra trường, em lưu luyến thầy Chấn và các thầy cô trong trường đến mức không xa được trường, mà em cũng là một đứa trẻ mồ côi, có về quê cũng chả còn ai mà nương tựa.

Thầy Chấn đã xin xã sở tại cho cậu học trò ấy một miếng đất nhỏ ngay cạnh trường. Với nghề mộc được học trong trường, chẳng mấy chốc mà cậu học trò này trở thành một thợ giỏi nổi tiếng trong vùng. Xây được nhà gạch khang trang, lấy được cô vợ xinh xắn là giáo viên trường làng. Tối ấy, trước khi ra về, thầy Chấn trao cho cậu học trò cũ một cái hộp màu đỏ nhỏ như bao diêm và ghé tai nói thầm gì đó với cậu học trò.

Tôi thấy em trào nước mắt, run run ôm tạm biệt thầy Chấn. Đêm về trường, tôi tò mò hỏi đấy là cái hộp gì, thầy Chấn kể ông đã trao cho chú rể một cái nhẫn vàng 1 chỉ để chú tặng cô dâu trong lễ thành hôn ngày hôm sau.

Chiếc nhẫn vàng ấy và tấm lòng vàng của thầy Chấn là một chi tiết tôi không thể nào quên khi nghĩ về những cán bộ, chiến sĩ quản giáo ngày ấy.

Ngày xưa, tôi chơi với anh Nguyễn Văn Hoắc khi anh còn là Thượng tá - Giám thị trưởng Trại giam Hoả Lò, Hà Nội. Nhiều hôm sáng ra anh hay gọi tôi ra phố Hàng Cót từ 5-6h ăn bánh cuốn của một cô gái Thanh Trì bưng mẹt ra đấy bán, ngay gần chỗ gầm cầu dưới đường tàu hoả. Và cô chỉ bán đến khoảng 8h là dọn hàng.

Sau mới biết anh hồi ấy đang thích chị H ở phố Hàng Giấy gần đấy nên sau những hôm phải làm ca đêm, anh ra đấy ăn sáng cho tiện để vào Hoả Lò cho đúng giờ.

Có những hôm ông anh Lê Lựu cũng mò đến từ sáng sớm ăn bánh cuốn Thanh Trì, xong rồi lại kéo nhau ra Hàng Lược nhậu buổi trưa luôn nếu là ngày nghỉ của anh Hoắc.

Có lần anh Hoắc rủ tôi và anh Lựu về Hoả Lò chơi nhân dịp tham quan trại mới chuyển xuống Cầu Diễn. Nhà văn Lê Lựu vào trại thì chỉ chăm chăm đòi xuống xem khu tử tù. Hai người thân nhau lắm lắm, nhưng anh Hoắc giám thị không bao giờ chiều cái mục ấy. Anh Hoắc cứ đe: "Ông tưởng được "nhập kho" mà dễ à? Ông không có án thì bố tôi cũng không dám cho ông bước chân qua cái khung cửa sắt kia nhá...".

Tôi còn có chú em khác, cũng là sĩ quan quản giáo trong Hoà Lò. Có lần ngồi uống rượu bên hồ Tây, chú buồn bã bảo: "Tù nhân thì hết hạn là được ra trại về nhà. Bọn em quản giáo thì vẫn cứ ở lại trong trại cho đến khi phục viên về hưu, coi như suốt đời trong Hoả Lò anh ạ...".

Vài kỷ niệm không thể quên về những người làm nghề "quản giáo" - Ảnh 1.

Chuyển quà của người thăm thân vào trại. (Ảnh: Công an nhân dân)

2. Xót xa chi bằng phận người

Lâu lắm rồi, hôm nay lại chợt nhớ những tối những đêm mưa rét của những mùa Đông xưa, hay lên cuối đường Trích Sài, ngồi chỗ bè của Cường "cá" trên Hồ Tây. Lên đấy nướng cá trắm đen nhắm rượu cuốc lủi làng Vân, hay nấu cháo cá chép nóng giẫy húp sụt sùi giữa bốn bề sóng nước rét căm căm, vậy mà thấy khoái, thấy sướng.

Cường ngày ấy là sĩ quan cấp uý của Công an Hà Nội, làm cán bộ quản giáo tại Trại giam Hoả Lò. Như nhiều đồng nghiệp của mình, đồng lương khá là chật vật để nuôi sống 1 vợ, 2 con với cả cha già mẹ héo, Cường phải nhận làm thêm suất bảo vệ, canh gác ban đêm trông đuổi tụi đánh bắt câu trộm cá Hồ Tây sau giờ làm việc trong Hỏa Lò.

Ngày thì trông tù, đêm trông cá, nhiều hôm chỉ được ngủ vài ba tiếng, mắt thiếu ngủ lúc nào cũng đỏ như mắt cá chày. Nhưng mất ngủ không khổ bằng mất sĩ diện. Nhiều khi gặp bọn câu, đánh cá trộm, bình thường thì chỉ một đòn là chúng biết tay Cường "cá" ngay, nhưng khổ nỗi chỉ dám xua đuổi chúng mà chẳng dám đụng độ bao giờ.

Nghèo, bận, mệt, vất vả, nhưng Cường lúc nào cũng cười tươi roi rói, lại rất chi là nồng nàn tận tình với anh em nên có đông bạn bè. Những hôm Cường trực đêm là cái bè trông cá của chú ấy lại như cái club Thuỷ Tạ, đông vui như hội.

Rồi có cả những đêm, trong những lần ra Hà Nội sau những show diễn đã khuya, ông anh nhạc sĩ Đức Huy với cô fan cứng (SN 1991) thường cùng với mấy đứa bọn tôi ghé qua bè cá của Cường hàn huyên tâm sự, nhậu mút mùa, đàn hát tới bến...

Nhà Cường ngay đầu dốc xuống làng Yên Phụ, ngay bên kia bờ hồ, vậy mà tối đêm cũng chẳng tranh thủ rẽ về vui vầy vợ con được ít phút, cứ cố làm đủ giờ trọn buổi cho "lúc nhận đồng lương không ngượng tay'' như có lần Cường tâm sự.

Có những lúc từ bè cá nhìn về những ngọn đèn vàng bên kia làng Yên Phụ, mắt Cường chợt như mờ sương, thấy như đang ở mãi tận góc bể chân trời nào xa xôi lắm.

Có lẽ những lúc ấy Cường thèm được ôm 2 đứa con thơ vào lòng mà cưng nựng lắm, thèm được ôm người vợ tảo tần vào lòng mà âu yếm lắm, và cả nhớ cái tổ ấm nhỏ bé có cha mẹ già sống cùng đó lắm.

Những đêm như thế, ông anh Đức Huy thường ôm cây ghi ta hát buồn não lòng:

Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều

Nhất là những buổi chiều mưa rơi...

Không chi xót xa cho bằng thân phận người

Xa nhà sống một mình đơn côi...

Bây giờ thì bè cá ấy không còn. Cường "cá" cũng thôi làm thuê trông cá, cũng đã sắp nghỉ chế độ chờ hưu. Ông anh Đức Huy thì yên bề cùng vợ trẻ và 2 con thơ trong TP.HCM cũng ít khi ra Hà Nội. Lũ bọn tôi đứa già thì ốm yếu, đứa trẻ thì lo làm ăn, phấn đấu sự nghiệp, cả hội ít có dịp tao ngộ bên hồ Tây như ngày xưa nữa.

Đôi khi nhớ lại, thấy ở đời tụ họp đầm ấm thì sao mà khó, như cái duyên; tan đàn xẻ nghé thì đến là nhanh, như cái phận.

Và mới thấy, không chi xót xa cho bằng phận người...!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem