Vạn Kiếp lẫy lừng hào khí Đông A (Bài 2): Vì sao Trần Hưng Đạo được dân Việt phong "Thánh", gọi Cha?
Vạn Kiếp lẫy lừng hào khí Đông A (Bài 2): Vì sao Trần Hưng Đạo được dân Việt phong "Thánh", gọi là "Cha"?
Nguyễn Việt
Thứ tư, ngày 15/11/2023 06:30 AM (GMT+7)
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều danh nhân có công lao hiển hách với nước, với dân nhưng không phải ai cũng được dân phong "Thánh", gọi là "Cha" như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vậy vì sao, hàng trăm năm nay trong tín ngưỡng của người dân Việt lại tôn Trần Hưng Đạo là "Đức Thánh Trần" và gọi "Cha" với một niềm tôn kính thiêng liêng?
Đặt lợi ích quốc gia trên thù nhà, lợi ích cá nhân
Khi tìm hiểu về cuộc đời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt trong bối cảnh nhà Trần, đặt trong cách ứng xử của ông với hoàng tộc, các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hoá, tín ngưỡng dân gian đều đánh giá cao đức tính con người ông. Đó là ông đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung cao hơn thù nhà, lợi ích cá nhân.
Câu hỏi đặt ra: Nếu ông không đặt lợi ích quốc gia và sự tồn vong của dân tộc lên trên mà coi trọng lợi ích cá nhân, thực hiện lời di huấn của thân phụ ông là An Sinh Vương Trần Liễu thì sao? Lúc đó, liệu ông có được người dân Việt đời đời tôn kính coi là biểu tượng đại đoàn kết dân tộc, biểu tượng của chiến thắng, biểu tượng của tấm lòng thương quân, thương dân để được phong "Thánh", gọi "Cha" hay không?
Bởi ai cũng biết Trần Hưng Đạo là con trai An Sinh Vương Trần Liễu, trong khi đó An Sinh Vương có mối thù nhà với em trai tức Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh đã "cướp vợ" của mình. Ngoài ra, còn mâu thuẫn từ việc ngành trưởng không được lập làm vua, tức là An Sinh Vương Trần Liễu là anh trai không được lập làm vua, trong khi Trần Cảnh là em lại được lập làm vua.
Mâu thuẫn đó đã được giải quyết bằng hàng động An Sinh Vương mang quân chống lại triều đình. Đánh không lại, An Sinh Vương buộc phải đầu hàng. Đáng ra với hành động này, Trần Liễu và gia đình ông có thể bị xử tội rất nặng. Tuy nhiên, Vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh thương anh đã xin với Thái sư Trần Thủ Độ xá tội và ban cho một số vùng đất phía đông kinh thành Thăng Long (là các vùng đất của thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và một số vùng đất của thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay) để làm thái ấp và trấn giữ nơi này.
Tuy nhiên, thẳm sâu trong lòng An Sinh Vương vẫn chưa nguôi ngoai việc này. Vì vậy, ông rất chú trọng trong việc dậy dỗ các con, trong đó có Trần Quốc Tuấn. Mời thầy giỏi văn, võ về dạy cho Trần Quốc Tuấn những mong sau này Trần Quốc Tuấn thành tài trả thù cho cha và lấy lại ngôi vua về cho ngành trưởng. Điều này, cũng được An Sinh Vương trước lúc sắp chết đã trăng trối: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không yên lòng được". Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải.
Ngoài ra, khi đất nước đứng trước nguy cơ bị quân Nguyên Mông xâm lược lần 2, Trần Hưng Đạo đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhà vua, cũng như các vương hầu, bá quan trong triều, vì vậy khi ông được vua Trần Nhân Tông trao phong chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc để chỉ huy quân đội chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược ông đã cống hiến hết tài năng công sức, một lòng trung quân ái quốc.
Để tăng cường khối đại đoàn kết trong hoàng tộc, Trần Quốc Tuấn đã chủ động gạt bỏ hiềm khích với Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải bằng việc tắm cho Thượng tượng. Ông còn chủ động bỏ đầu bịt sắt nhọn ở đầu gậy khi tiếp kiến nhà vua để xoá tan sự nghi kỵ của nhà vua và triều thần.
Từ đó, vua tôi trên dưới đoàn kết một lòng, nhờ vậy Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo, chỉ huy quân đội nhà Trần thực hiện 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2 năm 1285 và lần 3 năm 1288 giành thắng lợi.
Từ việc lập căn cứ bố phòng, cắt cử, dùng người vào từng việc, từng trận đánh, lúc đánh lớn, khi đánh nhỏ, lúc lại biết rút lui, khi tập kích, tổng phản công, lập trận đều được ông chỉ huy tài tình thể hiện được tầm nhìn, nhãn quan của một Tổng tư lệnh quân đội. Những chiến thắng hào hùng như Tây Kết, Chương Dương – Hàm Tử, Vạn Kiếp, Vân Đồn, Bạch Đằng… đã nói lên điều đó và đã giúp quân dân nhà Trần giành chiến thắng rực rỡ trước đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Sau này, mặc dù được vua Trần trao cho nhiều đặc ân, quyền chức tột đỉnh, có quyền thăng chức, phong tướng cho bá quan văn võ rồi báo cáo vua sau, nhưng cho đến khi qua đời Trần Hưng Đạo chưa bao giờ lạm dụng đặc ân đó, ông luôn giữ đúng đạo thần tử, bề tôi không hề mảy may lòng khác.
Thương quân yêu dân
Tại Vạn Kiếp có nhiều giai thoại, truyền thuyết và dấu tích nói về Trần Hưng Đạo còn chăm lo sức khoẻ, chữa bệnh, trừ tà ma giúp dân yên ổn cuộc sống làm ăn.
Một trong số đó là truyền thuyết về "Dược lĩnh cổ viên" (đây cũng là một trong 8 dấu tích trong "Chí Linh bát cổ"). Tương truyền, vào một buổi chiều khi đang đi thăm thú khu vực Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo có gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, mắt sáng như sao, đang đi nhanh thoắt về phía núi Nam Tào. Lấy làm lạ, Người bèn đến hỏi chuyện. Ông lão tự xưng là danh y trong vùng, vào rừng hái thuốc về chữa bệnh. Hưng Đạo Vương lấy làm mừng lắm vì từ lâu vốn định tìm một vườn thuốc gần đây để phục vụ binh sĩ.
Người hỏi ông lão cặn kẽ về đặc tính, công dụng, chất đất địa phương. Ông lão thưa rằng: "Dược liệu ở núi Rồng có nhiều, đất núi Nam Tào rất hợp với trồng cây thuốc". Nói rồi xin tặng Đại Vương một bọc thuốc quý rồi rút lui. Từ đó, Trần Hưng Đạo lệnh tướng sĩ thu thập, nghiên cứu trồng cây thuốc ở núi Nam Tào và đặt tên núi là Dược Sơn. Núi thuốc này được dùng vào việc chữa bệnh cho tướng sĩ và người dân.
Thông qua truyền thuyết về quá trình hình thành vườn thuốc cổ (Dược lĩnh cổ viên) này có thể thấy, dù bận đại sự việc nước, việc quân nhưng Trần Hưng Đạo vẫn quan tâm, chăm lo đến sức khoẻ của ba quân, tướng sĩ và nhân dân. Việc xây dựng vườn thuốc là để có cây thuốc chữa trị bệnh cho quân sĩ và nhân dân.
Hay như truyền thuyết nói về việc chữa "bệnh Phạm Nhan". Chuyện rằng, tên tướng giặc Phạm Nhan có quê ngoại ở Chí Linh nên trước khi chết, Phạm Nhan xin được chết ở quê mẹ và xin được ăn một bữa ăn ngon. Tức giận trước đòi hỏi của tên tướng giặc, Hưng Đạo Vương tức giận nói: "Cho ăn máu đàn bà đẻ ấy".
Vì vậy mà sau khi chết, hắn luôn tìm phụ nữ để tác oai tác quái. Truyền thuyết kể về những người đàn bà, nhất là đàn bà mới sinh nở, nếu có việc phải đi qua chỗ đấy sẽ bị "ma" Phạm Nhan bắt mất vía để hút máu, dẫn đến gầy dần gầy mòn cho đến chết. Dân gian gọi đó là "bệnh Phạm Nhan", ngày nay gọi là bệnh hậu sản. Khi người dân mắc bệnh này đến gặp ông chữa khỏi.
Từ lâu, ở Kiếp Bạc cũng lưu truyền câu chuyện "lên đền đổi chiếu". Theo đó trong dân gian ta cho rằng ai sớm biết mình mắc bệnh sau sinh thì lên đền Kiếp Bạc chữa là khỏi. Phép chữa là, người nhà của người mắc bệnh mua một chiếu mới vào đền Kiếp Bạc để đổi lấy chiếu cũ của đền, đem về lén trải lên giường của người bệnh nằm là khỏi. Có người chưa cần nằm đã khỏi bệnh. Thực hư thì chưa được khoa học kiểm chứng, thế nhưng số người lên đền Kiếp Bạc chữa bệnh rất đông.
Cũng từ giai thoại này mà tục "lên đền đổi chiếu" ở Kiếp Bạc diễn ra rất thường xuyên, không chỉ những người bị bệnh hậu sản mà nhiều người dân mong muốn đổi chiếu cũ của nhà đền để mong cầu sức khoẻ, tránh ốm đau bệnh tật.
Đức Thánh Trần đi vào huyền thoại, tín ngưỡng dân gian
Với những công lao với nước, với dân, khi Trần Hưng Đạo mất, người dân đã huyền thoại hóa, tôn làm thánh và trở thành đấng quyền năng siêu việt: "Đức Thánh Trần". Cũng từ đây có một số truyền thuyết, huyền thoại về "Đức Thánh Trần" ra đời. Có truyền thuyết nói "Đức Thánh Trần" là con của Ngọc Hoàng Thượng đế đầu thai vào nhà An Sinh Vương Trần Liễu để sau này cứu nước cứu dân. Cũng có truyền thuyết lại cho rằng Hưng Đạo Vương là con của Đức Long Vương Bát Hải Đại Vương cai quản vùng sông nước được đầu thai thành Trần Quốc Tuấn để giúp nước, cứu dân thoát khỏi nạn giặc ngoại xâm, chữa bệnh, trừ tà ma cho dân.
"Đức Thánh Trần" được đặt riêng một phủ, gọi là "Phủ Trần Triều" tạo nên một dòng Thanh đồng khác với hình thức hầu đồng của dòng đồng cốt thờ Mẫu. Trong dòng đồng Trần triều, ngoài tên gọi "Đức Thánh Trần" Hưng Đạo Đại Vương còn được gọi là Đức Ông Trần Triều hay Cửu Thiên Vũ Đế.
Dòng tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ngoài thờ Hưng Đạo Đại Vương làm Thần chủ, còn thờ các vị tướng nhà Trần gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm Nguyên - Mông như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão…
Ngày nay, dân gian còn lưu truyền câu ca "Tháng tám giỗ Cha, Tháng ba giỗ Mẹ". Vậy câu ca này nói về ai? Tìm hiểu các tài liệu về văn hoá tín ngưỡng dân gian thì "Tháng tám giỗ Cha" là chỉ ngày giỗ của Trần Hưng Đạo và "Tháng ba giỗ Mẹ" là chỉ ngày giỗ của Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Clip: Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nói về tục thờ Đức Thánh Trần. T/h: Nguyễn Việt.
Theo cố Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chuyên gia hàng đầu nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu từng cho rằng: Đây cũng là những nét độc đáo của nền văn hóa tâm linh mang bản sắc Việt Nam, tiêu biểu là hai ngôi đền: Đền Kiếp Bạc (thờ cha) và Đền Phủ Giầy (thờ mẹ) thỏa mãn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ của nhân dân ta nói chung và của những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.
Cơ sở đầu tiên dẫn đến sự hội nhập, đan cài này là về loại hình cả hai đều là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa (thờ tổ tiên, người có công) với những ảnh hưởng của đạo giáo dân gian. Ngoài ra, trong tâm thức dân gian người Việt, Đức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều là các vị thần thánh được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian để tiêu trừ ma tà, dịch bệnh, cứu giúp chúng sinh, bảo vệ giang sơn xã tắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.