Vay vốn Ngân hàng CSXH nuôi trâu, trồng dứa, hộ nghèo Bắc Giang tăng thu nhập, thành hộ khá

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 02/01/2023 19:16 PM (GMT+7)
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có đời sống khá giả hơn nhờ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả.
Bình luận 0

Thêm vốn nuôi trâu, trồng dứa

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên (xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn) là 1 trong những điển hình kinh tế vươn lên từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH. Chị Liên cho biết: Mặc dù gia đình có vườn bãi rộng nhưng loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả nên cuộc sống cứ mãi khó khăn. Năm 2020, tìm hiểu qua sách báo và thăm thực tế mô hình nuôi trâu thương phẩm tại các huyện Hiệp Hoà, Tân Yên, chị đã bàn với gia đình phát triển kinh tế từ nuôi đại gia súc.

Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cộng với số vốn tích cóp được, chị đã đầu tư chuồng trại nuôi trâu thương phẩm. Hiện chị đang chăm sóc 9 con trâu chuẩn bị được xuất bán, có thời điểm chị nuôi vỗ béo tới 20 con.

gop/ Giúp hộ nghèo bứt phá ngoạn mục - Ảnh 1.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của chị Nguyễn Thị Liên, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Bùi Vũ

gop/ Giúp hộ nghèo bứt phá ngoạn mục - Ảnh 2.

Theo chị Liên, đối với những con trâu trưởng thành sau khi mua về, chăm sóc từ 3-4 tháng có thể xuất bán, trâu nhỏ chăm khoảng 1 năm. Mỗi con trâu vỗ béo chị thu lãi từ 5-6 triệu đồng, tùy theo giá bán từng thời điểm. Để đàn gia súc có nguồn thức ăn dồi dào, chị đã trồng hơn 1ha cỏ voi quanh nhà. Chị Liên cho biết, tới đây, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới, khoảng 15 con trâu và 40 con bò. Tương tự, ông Lâm Văn Vạn (ở thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam) từng nhiều năm liền là hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nay đã vươn lên thoát nghèo thành công. Ông Lâm Văn Vạn chia sẻ: "Từ năm 2019, gia đình tôi được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo trong 5 năm".

Với số vốn này, ông Vạn đã thuê máy móc, nhân công và mua phân bón cải tạo gần 2ha đồi rừng trồng dứa, bạch đàn. Sau hơn một năm, khoảng 1ha dứa cho thu hoạch, sản lượng đạt 40 tấn, thu về 280 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.

Ở thôn Đồng Cống, không chỉ gia đình ông Vạn mà nhiều hộ nông dân nơi đây đã tận dụng sự hỗ trợ của chính quyền và nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như anh Vi Văn Phúc cũng được Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dứa trên đồi theo quy trình VietGAP. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đồi dứa đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Theo lãnh đạo UBND xã Bảo Sơn, nhờ đồng vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ kịp thời mà địa phương đã bứt phá ngoạn mục.

20 năm Ngân hàng CSXH đồng hành cùng người nghèo

Trong suốt 20 năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ Ngân hàng CSXH đều đặn hàng tháng có mặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn để giải ngân, thu nợ, thu lãi và nhận tiền gửi của khách hàng. Với phương châm "giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã", đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được 209 điểm giao dịch tại 209 xã, phường, thị trấn.

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với dư nợ 227 tỷ đồng đến nay Ngân hàng CSXH đang thực hiện 20 chương trình như: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Tính đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 5.715 tỷ đồng, tăng 5.508 tỷ đồng.

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 720.344 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 15.584 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 3,8 triệu đồng/người/năm năm 2002 lên 67,3 triệu đồng/người/năm năm 2022, tăng gấp hơn 17,6 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,67% năm 2005 xuống còn 2,37% năm 2021.

Ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, ngân hàng không trao "con cá" mà trao "cần câu" để các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm chuyển tải tốt các chương trình tín dụng chính sách đến người nghèo, đối tượng chính sách khác. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân 8-10%/năm; 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ. Chất lượng tín dụng ngày càng cao, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem