Vị ngọt đường đen xứ Quảng

Bài, ảnh: PHAN NAM Thứ bảy, ngày 04/07/2015 10:26 AM (GMT+7)
Vùng đất Quảng Nam rất phong phú về ẩm thực với các loại bánh trái làm nức lòng du khách bốn phương, có thể kể đến là bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh tổ, bánh ghẹ... Riêng tôi, bát đường đen là món quà quê vô giá làm ấm lòng người con xa xứ.
Bình luận 0
Có thể nói, hiếm thấy nơi nào trên đất nước ta có đặc sản "độc nhất vô nhị" như bát đường đen xứ Quảng. Đây là một loại đường được chế biến từ mía, có màu đen hoặc vàng nâu, hình thù giống như cái bát được người dân quê tôi thường gọi là tán đường. Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới hình vòng cung, màu đen sậm.
img
Những bát đường đen quê tôi mang hương vị ngọt ngào của đất Quảng (ảnh: Phan Nam).
Các bánh đường đen thường được người dân gói trong rơm rạ, hai bánh úp mặt vào nhau và đựng trong những giỏ lớn để dễ dàng vận chuyển. Bánh đường rất cứng nên phải dùng dao phay chặt ra từng miếng nhỏ. Từng mảnh, từng mảnh đường tưởng chừng rời rạc nhưng lại gắn bó sâu nặng trong tiềm thức của tôi.

Chợ quê xứ Quảng cũng rất đặc trưng bởi những gian hàng nhỏ của những người bán hàng thường đã đến tuổi thất thập. Đây là vẻ đẹp tự bao đời nay của ngôi chợ truyền thống với các mặt hàng dân dã như trầu cau, hành tỏi, một vài loại bánh trái vườn và đặt ngay chính giữa gian hàng là những bát đường được chăm chút rất cẩn thận.

Khi nhớ về quê, hình ảnh bát đường in sâu trong ký ức, mỗi lần như thế tôi thường điện về nhà như để thỏa nỗi lòng: “Mẹ ơi, mẹ gửi ra cho con cặp đường, con thèm quá!”. Tôi rất thích ăn “sống”, cầm từng mảnh nhỏ của đường đen mút từ từ để cảm nhận vị ngọt ngào của quê hương thấm sâu trong từng thớ thịt, một hương vị đậm đà thật khó quên trong đời. Đặc biệt bát đường đen dùng để nấu chè thì tuyệt ngon.

img
Đường đen phơi khô được thấm đẫm màu nắng (ảnh: Phan Nam).
Thưở nhỏ tôi thường xuyên được ăn món chè mẹ nấu. Ngày rằm, mồng một mẹ thường mua một cặp đường để nấu chè đặt lên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ về cha ông, nguồn cội. Nguyên liệu để nấu chè cũng rất đơn giản: một tán đường đen, lon đậu, lon nếp, một ít bột năng và có thể thêm vào bắp non đã được chà xát. Sau đó vài giờ sẽ có một nồi chè thơm lừng hương nếp hòa quyện với bắp non và đậu. Tôi thích nhất là khi ăn chè lúc còn nóng hổi khi đó sẽ cảm nhận được hết vị ngọt ngào của đường, vị “ngọt” của quê cha đất tổ.
 
Ngày nay, các loại đường khác như đường cát, đường phèn, đường phổi đã thay thế bánh đường đen. Nhưng trong tâm thức của tôi, dẫu có đi xa đến phương trời nào đi chăng nữa thì hình ảnh bát đường đen là món quà tuyệt vời từ quê hương, từ những con người chân đất đầy chất phác, lam lũ. Đất Quảng đặc biệt là vậy, từ những món quà giản dị nhưng lại vô cùng ấm áp, thấm đẫm tình người.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem